Đánh đòn và bạo hành thể xác trong nhận thức một đứa trẻ là không có gì khác nhau khi xét về bản chất
Sau 50 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định đánh đòn và hành hạ thể xác là 2 việc hoàn toàn giống nhau về bản chất.
Trước đó, các nghiên cứu về vấn đề "liệu có nên đánh đòn trẻ em?" đã phải kéo dài rất lâu và từng gặp rất nhiều khó khăn bởi vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận vì độ chính xác khi ấy của chuỗi nghiên cứu chưa được rõ ràng. Nhưng hiện nay, sau khi đã phải trải qua 75 cuộc nghiên cứu trên những cá thể khác nhau với thời gian chính xác là 50 năm, kết luận cuối cùng mới được đưa ra để chứng minh giả thuyết ban đầu của các nhà nghiên cứu là hoàn toàn có cơ sở.
Chuỗi nghiên cứu này đã được thực hiện ròng rã 50 năm trời với 160.000 đứa trẻ, và kết quả được đưa ra khá chính xác vì gần như đến 99% kết quả thống kê đều cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa việc đánh đòn và các biểu hiện tiêu cực ở trẻ em.
Kết quả của các nghiên cứu dài hạn khác tương tự cũng chỉ ra rằng việc đánh đòn chính là tiền đề dẫn đến các hành vi ứng xử xấu, tiêu cực của một đứa trẻ theo thời gian chúng lớn dần lên, bất kể ban đầu chúng là một đứa trẻ ngoan, hoạt bát, lanh lợi hay tốt bụng như thế nào.
Đánh đòn không chỉ gây hại, mà khiến trẻ chống đối nhiều hơn
Những nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã thực hiện phân tích tổng hợp trong một thời gian rất dài và cuối cùng cũng đủ cơ sở để rút ra kết luận: Đánh đòn không hề giúp một đứa trẻ nhận thức được lỗi sai và cải thiện hành vi của mình, mà ngược lại việc này còn đem đến nhiều hệ quả xấu đến trẻ em mà người lớn không hề ngờ đến. Việc đánh đòn sẽ gây ra những tác hại tiêu cực đối với sự phát triển về mặt nhận thức, tính cách của một đứa trẻ.
Một đứa trẻ bị đánh đòn nhiều sẽ có xu hướng gặp vấn đề về tâm lý hay khó khăn trong các mối quan hệ với người thân.
Thậm chí, chúng còn có thể trở nên hung hăng hơn về mặt tính cách từ đó dẫn đến việc khả năng nhận thức sẽ kém đi và có ý định chống đối xã hội. Theo nhà nghiên cứu Lisa Berlin đến từ Đại học Maryland, những đứa trẻ bị đánh đòn nhiều sẽ có biểu hiện hung hăng hơn trong vòng 1 năm sau đó và khả năng nhận thức của chúng cũng sẽ thấp đi trong vòng 2 năm tiếp theo.
Việc đánh đòn khiến trẻ trở nên tiêu cực, dẫn đến những hành vi xấu khi trẻ lớn lên
Một đứa trẻ thông thường có khả năng sẽ gặp nhiều vấn đề về nhận thức, tâm lý hơn sau khi nhận được những trận đòn đến từ bố mẹ, người thân.
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã liên tục đưa ra những lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh đang có ý định giáo dục con cái bằng phương pháp đánh đòn: Khi trẻ em bị đánh đòn nhiều lần, cách cư xử và hành vi, thái độ của chúng sẽ xấu dần đi theo thời gian.
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà nhận định: “Đánh con là một thực trạng mà nhiều gia đình vướng vào, hành động này tỏ rõ sự bất lực của cha mẹ đối với con cái. Để dạy dỗ và giúp con nên người, việc đánh đập, chửi mắng không những không giúp ích mà điều này còn phản tác dụng khiến đứa trẻ sẽ lì đòn, cứng đầu và có khả năng vi phạm lỗi nặng hơn.
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên cũng có chung quan điểm rằng: Trẻ bị cha mẹ đánh mắng thường có tâm lý chống đối, đặc biệt dễ phát triển lệch lạc và ưa bạo lực khi trưởng thành.
Bị đánh đòn không khiến trẻ biết cách cư xử đúng hơn, học làm chủ hành vi tốt hơn mà sẽ ngược lại sẽ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh hoặc tìm cách không để bị "tóm" khi mắc sai lầm. Đặc biệt, trẻ con dường như nhớ sự trừng phạt hơn là lý do bị phạt. Nó sẽ cư xử vì sợ hãi thay cho muốn hành động đúng. Người lớn nên dạy con bằng lý lẽ chứ không phải bằng bạo lực, nên nhớ áp dụng các hình thức phạt con là để nhắc nhở chứ không phải hành hạ.
Còn theo Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền nhận xét: Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn thì ra đường dễ gây gổ, đánh nhau với người khác. Hầu hết trẻ sớm đi vào con đường phạm tội hay nghiện ngập đều do cha mẹ dạy dỗ không đến nơi đến chốn và thường xuyên bị đánh đòn. Cha mẹ dạy bằng cách đánh đến mức con lỳ đòn, hết sợ là rất nguy hiểm. Khi đã hết sợ, người ta có thể liều lĩnh làm bất kỳ điều gì. Cha mẹ dạy con cũng cần giữ lại vốn sợ cho con, bởi vì vốn sợ của trẻ em cũng có giới hạn, nó không hề vô hạn.
Dạy con không có nghĩa là phải bằng roi vọt
Cha mẹ đánh đòn con chính là thể hiện sự bất lực của mình. Nhiều người đánh con như một cách để giải tỏa sự căng thẳng, ức chế khi con bướng bỉnh không chịu nghe lời. Tuy nhiên, sau những giây phút cảm giác được thoải mái, nhẹ lòng vì đánh con thì họ lại bắt đầu cảm thấy hối hận vô cùng.
Để tránh trường hợp đáng tiếc này xảy ra, trước tiên, cha mẹ hãy tự bình tĩnh suy xét trước mỗi tình huống bé nghịch ngợm, bướng bỉnh. Hãy nói nhẹ nhàng và giải thích cho bé. Bởi lẽ, trẻ nhỏ không có lỗi gì trong tất cả các thói hư tật xấu của chúng. Nếu bé có lỗi, thì chính cha mẹ phải nhìn lại bản thân mình xem mình đã có hành động gì sai.
Sau đó, phụ huynh nên tìm hiểu mục đích mà con hư là gì? (gây sự chú ý với cha mẹ, nũng nịu, bướng bỉnh,…), một khi tìm hiểu được mục đích, nguyên nhân, cha mẹ sẽ có cách để giúp đỡ con.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể thỉnh thoáng đánh con nhưng tuyệt đối không lạm dụng phương pháp này để dạy con. Một khi bạn lạm dụng đòn roi với con mình, con sẽ dạn đòn. Bạn phải ghi nhớ rằng đánh con luôn luôn đi kèm với việc phân tích lỗi lầm, đưa ra những lời khuyên tốt cho con. Hãy dạy con, khuyên con: "Tại sao việc đó nên chấm dứt, tuyệt đối không làm và điều gì là nên cho con".
Bây giờ, khi còn trẻ, bạn tin rằng đánh con là một cách giáo dục tốt, nhưng rồi khi đã dày dạn kinh nghiệm hoặc khi về già, bạn sẽ nhận thấy rằng đánh con hầu như không mang đến một kết quả gì tích cực.
Hiện nay trên thế giới các tổ chức hàn lâm, y học, sức khỏe cộng đồng và nhân quyền cũng đã đưa ra một thông điệp mang tính khẳng định: "Đánh đòn không giúp cho con cái của bạn phát triển tốt hơn mà chỉ gây hại với chúng. Vì lợi ích trong tương lai của con em chúng ta, hãy ngưng đánh đòn trẻ em!"
Chúng ta cần cân nhắc lại việc liệu có nên đánh đòn một đứa trẻ đang lớn lên hay không, bởi việc này hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng xấu không ít thì nhiều đến tâm lý, hành vi, nhận thức của đứa trẻ đó.
Các bậc cha mẹ nên dùng tình thương, sự trìu mến để giúp con cái mình nhận thức được lỗi sai. Chúng sẽ cảm thấy an toàn và đỡ lo sợ hơn so với việc bị đánh đòn. Từ đó, tính cách, nhận thức và hành vi của những đứa trẻ cũng sẽ được phát triển một cách tích cực hơn.