Tác hại của khói thuốc lá không thua kém bệnh truyền nhiễm

GD&TĐ - Theo ý kiến chuyên gia, tác hại của thuốc lá bao gồm cả thuốc lá điện tử không hề thua kém so với các bệnh truyền nhiễm nên cần phải phòng tránh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) phát biểu tại hội thảo.

Tính cấp thiết của vấn đề

Sáng 23/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo cung cấp thông tin về phòng chống tác hại thuốc lá. Chương trình do Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế và Tổ chức quốc tế HealthBridge Canada tại Việt Nam tổ chức.

Ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, để hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc từ ngày 25 - 31/5 và tăng cường thực thi công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông luôn đồng hành, đưa ra nhiều nhóm giải pháp để tuyên truyền về vấn đề này.

Ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng.

Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 -17 tuổi hút thuốc lá năm 2019 là 2,6% đã tăng lên 3,5% vào năm 2022.

"Đây là một dấu hiệu đáng báo động. Việc sử dụng thuốc lá gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe, là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh mãn tính, tỉ lệ tử vong cao, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội. Từ thực trạng trên,công tác truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá là hết sức quan trọng" - ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhìn nhận, nhân loại đang đứng trước nhiều thách thức về tác hại của thuốc lá. Toàn dân phải cùng nhau hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc 25 - 31/5 bằng những việc làm thiết thực.

Các đại biểu tham gia ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Các đại biểu tham gia ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh mãn tính không lây nhiễm và cả lây nhiễm. Tác hại của thuốc lá dẫn đến thời gian và chi phí điều trị tốn kém. Thuốc lá là "kẻ giết người" thầm lặng. Trong bối cảnh chung sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, thuế thuốc lá còn rẻ nên người dân có thể dễ dàng mua được để sử dụng. Nhà nước đã có những bộ luật, văn bản, nghị định liên quan nhưng cuộc chiến phòng chống tác hại thuốc lá vẫn không hề đơn giản. Theo điều tra, 43,4% là tỉ lệ nam giới trưởng thành ở Việt Nam hút thuốc. Tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ giới đã giảm còn 1,2 - 1,3%. Thuốc lá điện tử ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam.

"Thời gian qua, báo chí đã phát hiện ra nhiều vụ thuốc lá điện tử tẩm ma túy, kẻ xấu lợi dụng để cho giới trẻ sử dụng rất nguy hiểm. Chính phủ đã có nhiều công văn đến các bộ ngành như Bộ Công an, Bộ Y tế để có những biện pháp ngăn chặn, phòng chống thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng, thuốc lá phi truyền thống ở Việt Nam cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến thuốc lá" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Sự nguy hại của khói thuốc lá

Thực tế cho thấy, các đối tượng đích cho chương trình phòng chống tác hại thuốc lá hướng đến là phụ nữ, trẻ em, phụ nữ có thai, thanh thiếu niên. PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, thuốc lá là một đại dịch mà tác hại không thua kém gì so với các bệnh truyền nhiễm khác.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, tính đến năm 2020 đã có 67 quốc gia quy định cấm hút thuốc hoàn toàn tại nơi công cộng, nơi làm việc và trên phương tiện giao thông công cộng; 57 quốc gia thực hiện tốt biện pháp cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; 42 quốc gia cấm bán thuốc lá điện tử.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá chia sẻ tại hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá chia sẻ tại hội thảo.

Trong khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia là Thái lan, Singapore, Lào, Campuchia, Brunei tỷ lệ thuế thuốc lá trên giá bán lẻ cao hơn so với Việt Nam. Thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ của Việt Nam là 38,8%, trong khi đó ở Malaysia là 58,6%; Singapore là 67,5% và Thái Lan là 78,6%.

Theo khuyến cáo của WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần phải ở mức 70 - 75% giá bán lẻ. Diện tích cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc hiện nay của Việt Nam chỉ là 50%; nhỏ so với các nước khác trong khu vực Singapore, Lào, Brunei và Myanmar là 75%, còn Thái Lan là 85%.

Hiện nay có một số hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam như: Tăng thuế thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma tuý và các chất gây nghiện. Thuốc lá điện tử nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông thường, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái.

Ths. BS Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam.

Ths. BS Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam.

Ths. BS Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nêu rõ tác hại của thuốc lá với trẻ em. Bà đưa ra khuyến nghị cần tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Truyền thông nâng cao hiểu biết của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong bảo vệ trẻ em.

Theo Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện Tổ chức chức Y tế thế giới tại Việt Nam, thuốc lá, rượu bia và nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này là biện pháp hiệu quả nhất và đôi bên cùng có lợi; vừa bảo vệ sức khỏe, vừa tăng nguồn thu từ thuế cho Chính phủ. Mục tiêu nhằm giảm bớt sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ, hạn chế việc thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận thuốc lá...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ