Có hai loại thuốc tránh thai uống hàng ngày: loại thuốc chỉ chứa hormon progestin thích hợp cho phụ nữ đang nuôi con bú và loại được nhiều người sử dụng hơn cả là loại chứa các hormon estrogen và progesteron tổng hợp.
Thuốc tránh thai là nhóm thuốc nội tiết nên ngoài việc tránh thai còn được sử dụng nhằm điều trị các bệnh như: điều hòa kinh nguyệt; lạc nội mạc tử cung; hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và rối loạn tâm trạng tiền kinh nguyệt (PMDD); trứng cá, rậm lông và rụng tóc (thể hói đầu)...
Thuốc tránh thai uống cũng được coi như một biện pháp phòng ngừa ung thư buồng trứng và ung thư tử cung.
Khi dùng thuốc tránh thai chứa hai loại hormon estrogen và progesteron tổng hợp, lượng hormon trong cơ thể thay đổi do vậy có khá nhiều tác dụng phụ liên quan đến việc dùng loại thuốc này như: Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ; thường gặp các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn kinh nguyệt trong thời gian đầu sử dụng thuốc; có cảm giác căng tức ngực, sạm da, nổi mụn, chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt; có thể tăng cân do bị giữ nước trong cơ thể...
Trong các tác dụng phụ nêu trên, những tác dụng phụ dưới đây khiến chị em lo ngại nhất do ảnh hưởng đến vẻ đẹp của họ.
Nổi mụn trứng cá
Phần lớn người sử dụng thuốc tránh thai một thời gian sẽ cảm nhận thấy da dẻ mịn màng hơn do thuốc tác động vào nội tiết của cơ thể. Vì vậy, trên thực tế bác sĩ da liễu vẫn dùng thuốc tránh thai hàng ngày để điều trị những trường hợp bị mụn trứng cá dạng trung bình đến nặng do nguyên nhân liên quan đến nội tiết.
Ở chiều ngược lại, không ít trường hợp dùng thuốc tránh thai thì lại bị mụn nhiều hơn. Lý giải cho điều này là do, thuốc tránh thai hàng ngày bản chất của nó là thuốc nội tiết, khi uống vào cơ thể, thuốc ức chế các hormon gây rối loạn nhẹ. Chính điều này có thể khiến các tuyến bã nhờn dưới da tăng sinh gây mụn.
Có thể trong thời gian đầu dùng thuốc mụn sẽ nổi nhiều nhưng sau đó sẽ giảm dần, da bớt nhờn và láng mịn hơn do cơ chế thay đổi nội tiết tố. Nhưng sau khi dùng khoảng 3 tháng mà thấy tình trạng mụn không đỡ, thậm chí còn nổi nhiều hơn thì chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
Nám da, sạm da
Nám da là do sự gia tăng hắc sắc tố melanin trên da, thường gặp nhiều ở phụ nữ và do nhiều yếu tố gây nên. Nguyên nhân thông thường do rối loạn nội tiết trong thời kỳ mang thai hoặc ở phụ nữ tiền mãn kinh, do lạm dụng mỹ phẩm, tiếp xúc trực tiếp với tia tử ngoại... và trong đó có cả yếu tố sử dụng thuốc tránh thai.
Những tác dụng phụ của thuốc tránh thai không phải lúc nào cũng xảy ra với tất cả người sử dụng. Chỉ những người có cơ địa không thích hợp với thuốc tránh thai mới có thể gặp hiện tượng nám da, sạm da, tàn nhang.
Tình trạng bị nám da, sạm da sau khi dùng thuốc ngừa thai xảy ra trên một số người dùng loại thuốc ngừa thai chứa progestin thế hệ cũ.
Ở nhiều trường hợp, các đốm nám sẽ xuất hiện sớm, sau khi dùng thuốc khoảng 2- 3 tháng và có thể không mọc dày hơn sau một thời gian dùng thuốc. Tuy nhiên, khi đốm nám tiếp xúc với tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, chúng sẽ đậm lên.
Việc chữa trị nám da, sạm da tốn nhiều thời gian và rất khó khăn để loại hết đốm nám cũng như việc làm nám nhạt hơn. Vì vậy, khi thấy có đốm nám, sạm do dùng thuốc tránh thai xuất hiện thì bạn nên tạm dừng uống thuốc và sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn khác.
Làm tăng cân
Phản ứng phụ tăng cân do dùng thuốc tránh thai hàng ngày, nhất là trong những tháng đầu tiên mới dùng đã được ghi nhận và cũng là băn khoăn của nhiều chị em khiến họ muốn bỏ thuốc giữa chừng. Điều này xảy ra là do tác dụng của hormon trong quá trình chuyển hóa của cơ thể nên chị em bị tăng cân. Kích thước các vùng hông, đùi to ra nhiều.
Thành phần estrogen trong viên thuốc có tác dụng giữ muối và nước làm cho người phụ nữ tăng cân, đôi khi có cảm giác sưng phù ở tay, chân và mí mắt. Ngoài ra, thành phần progesteron tổng hợp có tác dụng kích thích sự thèm ăn, gây tăng trọng lượng cơ thể.
Để khắc phục nhược điểm này cũng như những tác dụng phụ khác do estrogen và progesteron, viên thuốc ngừa thai hiện nay có hàm lượng nội tiết rất thấp đủ để có tác dụng ngừa thai. Mặc dù với hàm lượng nội tiết rất thấp nhưng một số phụ nữ nhạy cảm với nội tiết estrogen vẫn bị tăng cân khi dùng thuốc ngừa thai.
Có nhiều trường hợp chỉ tăng cân trong 1 - 2 tháng đầu dùng thuốc rồi đứng cân thì không đáng ngại. Nhưng nếu cân nặng vẫn gia tăng với quá trình dùng thuốc thì chị em nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể hoặc chuyển sang dùng biện pháp tránh thai khác
Lời khuyên cho người dùng thuốc
Khi bị nám sạm da, tăng cân, nổi mụn trong thời gian uống thuốc tránh thai, chị em kiểm chứng lại các tác dụng phụ trên có đúng do thuốc tránh thai không hay do chế độ sinh hoạt hoặc do ăn uống.
Chị em cũng không nên tự ý dùng thêm loại thuốc gì để chữa các chứng bệnh trên ngay tức thì khi chưa xác định được nguyên nhân chính xác và chưa có chỉ định của thầy thuốc. Việc cần làm là đi khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Trong quá trình dùng thuốc tránh thai, mọi người nên theo dõi thêm các phản ứng phụ khác của thuốc để kịp thời khắc phục.