Sự việc khiến cộng đồng thế giới phẫn nộ. Gần như ngay lập tức, điều phối viên cứu trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Stephen O’Brien, đã lên án vụ tấn công tàn bạo này, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, cũng như tạo điều kiện cho LHQ và các đối tác của LHQ tiếp cận và giúp đỡ dân thường vô tội.
Cho đến nay, chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công, nhưng thời gian qua tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận al-Sham - chi nhánh của al-Qaeda cũng thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công tương tự nhằm vào dân thường tại những khu vực do chính phủ kiểm soát.
Trong hai bức thư gửi tới Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Hội đồng Bảo an LHQ ngày 16/4, Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh, vụ tấn công man rợ này đã cho thấy rõ rằng các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS và Jabhat Fateh al-Sham Takfiri đã mệt mỏi và dường như bị “dồn vào đường cùng” trước những chiến thắng liên tiếp gần đây của quân đội Chính phủ Syria.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria cũng một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải phối hợp các nỗ lực quốc tế trong việc chống lại các nhóm khủng bố ở quốc gia Arab này, cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác đầy đủ với chính quyền Syria trong bất kỳ nỗ lực chống khủng bố nào.
Vụ tấn công đã một lần nữa cho thấy tình trạng an ninh đáng báo động tại quốc gia Trung Đông này, sau hơn 6 năm nội chiến và tính mong manh của những thỏa thuận hòa bình đạt được tới nay. Dẫu vậy, công tác sơ tán hàng nghìn người khỏi những thị trấn bị vây hãm của Syria không vì thế mà bị gián đoạn. Chỉ vài giờ sau vụ tấn công, tiến trình sơ tán đã được nối lại.
Dự kiến khoảng 5.000 người tại Foua và Kafraya sẽ được chuyển tới những khu vực gần thủ đô Damascus và tỉnh Latakia do chính phủ kiểm soát, trong khi hơn 2.000 người khác tại Madaya và Zabadani sẽ được đưa tới Idlib do phe đối lập kiểm soát.