Syria chuyển sân trường thành vườn rau

GD&TĐ - Các sân chơi trường học tại Syria đang được chuyển đổi thành vườn rau – giúp trẻ học cách khôi phục chế độ ăn uống lành mạnh và nâng cao thể trạng đã bị huỷ hoại bởi 6 năm chiến tranh. Học sinh được học cách trồng và sau đó ăn các loại rau củ quả như rau dâu, rau diếp, ớt, cải bắp và dưa chuột.

Syria chuyển sân trường thành vườn rau

Vườn trường bổ sung dinh dưỡng

Ẩm thực truyền thống Syria là điển hình ở khu vực Trung Đông với bữa ăn nhiều rau. Các món chính gồm thịt cừu nấu với hạt thông và gia vị, salad đa dạng và trình bày đẹp, thịt hầm đậu xanh, lá cải nhồi hạt atiso…

Tuy nhiên cuộc chiến tàn khốc 6 năm qua đã thay đổi phần lớn thói quen ăn uống của người dân, nhiều người hiện chủ yếu chỉ ăn bánh mì hoặc thực phẩm cứu trợ.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), tỉ lệ thất nghiệp hiện ở mức hơn 50% và gần 70% số ở mức đói cùng cực – điều khó tưởng tượng với một quốc gia thuộc diện tương đối giàu cách đây chục năm.

“Cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Syria đã huỷ hoại sức khỏe và dinh dưỡng của cả một thế hệ trẻ em” – Adam Yao, đại diện Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) tại Syria, nêu nhận xét vào thời điểm năm học mới chuẩn bị bắt đầu.

FAO hiện đang giúp khoảng 17 trường tiểu học (ở cả khu vực do chính phủ kiểm soát lẫn khu vực do phe nổi dậy kiểm soát) trồng khoảng 500 m2 rau củ quả tại các khu vực bị bom đạn tàn phá gồm Aleppo, Hama, Homs, Idlib và ngoại ô Damascus.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị suy dinh dưỡng trong một cuộc khủng hoảng – điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến sự phát triển thể lực và trí lực trong tương lai.

“Dinh dưỡng tốt là sự phòng vệ đầu tiên của trẻ đối với dịch bệnh nói chung và rất quan trọng mang lại cho trẻ cuộc sống tích cực và khỏe mạnh” – Yao nhấn mạnh.

Tự trồng trọt nuôi dưỡng hy vọng

Giá lương thực tại Syria đã tăng mạnh kể từ khi nội chiến bùng phát – sản lượng nông nghiệp giảm và Syria hiện dựa phần lớn vào lương thực nhập khẩu để đáp ứng thiếu hụt. Việc vận chuyển thực phẩm tới các vùng miền cả nước cũng trở nên khó khăn và tốn kém.

Khoảng 13,5 triệu người tại Syria đang cần cứu trợ nhân đạo. Trong số này, 7 triệu người không có được lượng thực phẩm tối thiểu cho các bữa ăn.

Khoảng 5 triệu người nhận được cứu trợ lương thực quốc tế, nhưng không đủ lượng dưỡng chất cần thiết. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết phải cắt giảm số lượng calo trong rổ thực phẩm gia đình bởi thiếu ngân quỹ.

“Các quốc gia viện trợ vẫn đang hào phóng nhưng chúng tôi không biết họ có thể tiếp tục hào phóng được bao lâu nữa khi phụ thuộc vào nguồn thu thuế của dân là không ổn định” – Yao nhận định.

Những gia đình nghèo đang nhận sự giúp đỡ của FAO để trồng lương thực tại nhà, như vậy họ sẽ ít dựa vào viện trợ lương thực hơn. “Viện trợ lương thực rất quan trọng nhưng chúng ta phải kết hợp cả hai, nếu tự trồng mọi người sẽ dần dần không phụ thuộc vào viện trợ lương thực” – Yao nói.

Tại quốc gia có hơn một nửa dân số buộc phải rời bỏ nhà cửa, nhiều người phải chuyển chỗ ở nhiều lần, đầu tư vào nông nghiệp giúp họ định cư lâu hơn khi vùng đất mới còn an toàn. “Nông nghiệp trở thành hy vọng cho nhiều người bởi họ có thể tự trồng lương thực và sống sốt thậm chí tại khu vực bị phong tỏa” - Yao nhấn mạnh.

Kể từ khi bắt đầu trồng cây hồi tháng 5 đến nay, các trường tiểu học đã trồng được 12 tấn rau quả. 35 trường khác dự kiến sẽ tham gia việc chuyển đổi sân trường thành vườn trong thời gian tới tại Aleppo và khu vực nông thôn quanh Damascus.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ