Tôi không hề có ác cảm với facebook, nhất là trong cái thời đại “người người chơi phây, nhà nhà chơi phây” như hiện nay. Công nhận mà nói, có facebook cũng tiện thật.
Bạn bè có vụ gì, chỉ cần post một cái status, tag nhau vào, chỉ vài phút sau là hội đủ anh tài, chẳng mất công gọi điện thoại í ới, vừa tốn thời gian lại vừa tốn tiền. Hơn nữa, facebook lại lắm game hay ho. Ngồi ở cơ quan buồn buồn có thể làm vài ván cho thư giãn.
Với tôi, facebook là nơi giữ liên lạc với bạn bè và chơi game giải sầu không hơn không kém. Thế nên, tôi chúa ghét mấy bạn trẻ cả ngày cắm mặt vào facebook, đi đâu, làm gì cũng post lên facebook để khoe với thiên hạ.
Ấy thế mà đúng như ông bà ta nói, ghét của nào trời trao của ấy. Run rủi thế nào tôi lại cưới đúng một cô vợ “mê phây hơn mê chồng”.
Ảnh minh họa
Mà thôi, vợ tôi mê “phây” cũng được. Vốn không ai hoàn hảo, được cái nọ thì mất cái kia. Thế nhưng, tôi không chịu nổi khi cái bệnh nghiện facebook của vợ khiến tôi nhiều phen khốn khổ.
Nhiều khi tôi phát cáu vì có những chuyện tế nhị như vợ chồng xích mích, tôi kéo gỗ khi ngủ hay bệnh lười tắm của tôi cô ấy cũng lôi lên facebook.
Có lẽ cái bệnh nghiện facebook của vợ tôi sẽ vô phương cứu chữa nếu không có vụ tôi suýt tuyên bố đường ai nấy đi chỉ vì dòng status câu like của cô ấy.
Hôm kỉ niệm 3 năm ngày cưới, tôi bù đầu với đống báo cáo tài chính cuối năm nên quên mất. Đi làm về thì thấy vợ lầm lì, hỏi câu gì cũng không nói.
Đoán cô ấy có chuyện bực mình ở cơ quan, tôi cũng không hỏi, định bụng tối xuôi xuôi mới tâm sự, chứ mặt vợ đang hằm hằm thế kia, nhỡ đâu lỡ miệng vợ cho “nhịn” cả tháng thì toi. Tôi chưa kịp tắm rửa thì vợ đã dắt xe ra khỏi cửa, lạnh lùng bảo: “Không có cơm đâu, anh tự túc, em ra ngoài”.
Vợ vừa đi thì mẹ tôi gọi điện. Tôi chưa kịp mở miệng nói câu nào đã bị mẹ mắng xa xả cho một tràng: “Mày mà làm gì khiến gia đình tan vỡ thì liệu hồn. Cái H nó hiền lành, ngoan ngoãn, mày còn chưa bằng lòng hay sao?”.
Tôi mặt ngắn tũn lại, chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, lắp bắp: “Ơ, ơ, là sao mẹ, con không hiểu”. “Cái Nga (Nga là em gái tôi) vừa gọi cho mẹ bảo chị dâu đang buồn. Nó đòi chia tay ”.
Hoảng hốt, tôi gọi điện cho vợ. Không ai nhấc máy. Cáu tiết, tôi gọi cho em gái: “Làm sao, chị có chuyện gì sao anh không biết hả?” “Anh lên facebook mà xem” – nó nói.
Luống cuống đăng nhập facebook, đập vào mắt tôi là dòng status của vợ: “Thà chọn một kết thúc buồn còn hơn một nỗi buồn không bao giờ kết thúc”. Kèm theo status là bức ảnh một cô gái với hai dòng nước mắt tuôn rơi.
Vợ tôi còn không quên check-in “Nơi chỉ có nỗi buồn”. Dĩ nhiên, dòng trạng thái “hót hòn họt” hút like tới tấp, cùng với đó là cả trăm comment của anh chị em bạn bè nhảy vào hỏi thăm.
Đã thế, trong các câu trả lời, vợ tôi cứ lấp la lấp lửng khiến nội dung status vốn dĩ chẳng có gì to tát được bàn dân thiên hạ mang ra mổ xẻ và suy đoán vớ vẩn. “Ôi vợ ơi là vợ”, tôi vừa kêu vừa bấm máy gọi cho cô ấy. Lần này là “Thuê bao…”.
Cái câu status bâng quơ ấy nếu chỉ chình ình trên facebook thì sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Vấn đề là nó đã qua cái “loa phát thanh” chuyên thêm mắm thêm muối của đứa em gái đến tai mẹ tôi.
Chỉ 10 phút sau khi nhận được điện thoại của mẹ, tôi đã thấy bố, mẹ và cả cậu mợ tôi xuất hiện trước mặt. Một phiên tòa gia đình nhanh chóng được lập ra và tôi chính là kẻ tội đồ đứng trước vành móng ngựa. Tôi bị xoay như chong chóng với đủ câu hỏi, giả thiết được các vị quan tòa tưởng tượng ra.
Tôi mặt méo xệch, luôn mồm giải thích: “Không phải vậy đâu, mọi người hiểu lầm rồi”. Tất nhiên chẳng ai tin. Không có chuyện gì thì sao vợ tôi phải bỏ nhà đi (theo suy đoán của bố mẹ tôi). Không khí trong nhà căng như dây đàn. Cảm giác, tôi chỉ cần ho một tiếng thôi là… đứt cái phựt luôn.
10 giờ tối có tiếng xe ngoài cổng. Vợ tôi về. Tươi cười hớn hở. Thấy mọi người tề tựu đông đủ ở nhà, vợ tôi không khỏi ngạc nhiên: “Ơ, sao bố mẹ cậu mợ lại ở đây cả thế này”. Mẹ tôi lao ra: “Con ơi, có chuyện gì tâm sự với mẹ, kể cho mẹ nghe, chuyện đâu còn có đó, đừng nghĩ quẩn nhé”.
Nhìn thấy vợ, máu nóng trong người tôi bốc lên: “Điện thoại đâu sao không gọi được?”. “Ơ, điện thoại hết pin, em mải nói chuyện với hội bạn nên không để ý”. Tôi hằm hằm: “Cô giải thích thế nào thì giải thích”, rồi bỏ lên phòng ngủ đóng sập cửa lại.
Một lúc sau, thấy vợ nước mắt ngắn dài đi vào phòng ngủ, thanh minh: “Em không cố ý. Em giận anh quên ngày kỉ niệm nên lên facebook viết status cho bõ ghét. Không có ý gì cả”.
Tôi chưa nguôi ngoai nên cáu: “Cô thích kết thúc chứ gì. Thế thì kết thúc luôn hôm nay”. Lúc nói câu ấy tôi biết tôi lỡ lời, nhưng bản tính sĩ diện nên tôi cứ thế ôm gối xuống phòng khách ngủ, mặc vợ khóc nấc lên.
Sáng hôm sau, thấy mắt vợ sưng húp (chắc khóc cả đêm) với mẹ tôi gọi điện khuyên nhủ, tôi mới nguôi nguôi, nhưng mặt vẫn làm ra vẻ lạnh lùng. Vợ tôi vẫn dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, để sẵn quần áo cho tôi đi làm như mọi hôm nhưng không nói câu nào cả.
Đến cơ quan, theo thói quen tôi mở facebook định làm một ván game cho nhẹ đầu thì thấy mình được tag vào một cái ghi chú đẫm nước mắt của vợ. Đọc xong, thấy xiêu lòng, tôi lấy ngay điện thoại nhắn tin cho vợ: “Anh yêu vợ”.
Sau vụ đấy, vợ tôi dứt hẳn cái bệnh “nghiện facebook”. Thật ra, đúng là trong cái rủi lại có cái may.