Nhiệm vụ tự thân

GD&TĐ - Câu chuyện về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) tiếp tục nóng trong thời gian gần đây.

GV, với tinh thần nghiêm túc học tập, sau khi được bồi dưỡng từ chương trình này sẽ được cung cấp, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tiêu chuẩn CDNN hạng cao hơn.            Ảnh minh họa/INT
GV, với tinh thần nghiêm túc học tập, sau khi được bồi dưỡng từ chương trình này sẽ được cung cấp, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tiêu chuẩn CDNN hạng cao hơn. Ảnh minh họa/INT

Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu bắt buộc có chứng chỉ này để bổ nhiệm vào hạng và thăng hạng làm khó GV, vì thầy cô phải bỏ thời gian, kinh phí để đi học; trong đó việc học không giúp nhiều cho GV trong hoạt động nghề nghiệp. Cần nhìn nhận việc này như thế nào?

Trước hết phải nói rằng, 5 năm qua (từ 2015 - 2020), khi triển khai các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23, một số địa phương chưa thực hiện quyết liệt và đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều GV được bổ nhiệm, xếp lương theo hạng CDNN, nhưng chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu theo quy định (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN). Do vậy có tình trạng, khi Thông tư mới sắp có hiệu lực, GV còn thiếu tiêu chuẩn lo lắng không được bổ nhiệm hạng mới nên đổ xô đi học, góp phần gây ra dư luận xã hội như báo chí phản ánh thời gian qua. 

Bên cạnh đó, dù theo quy định của Chính phủ, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN là một trong những điều kiện bổ nhiệm vào hạng và thăng hạng viên chức. Nhưng việc thăng hạng thì không bắt buộc với tất cả GV. Do đó, GV không phải thực hiện bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN hằng năm. Cần phân biệt rằng bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN không phải là bồi dưỡng thường xuyên, không phải đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức hằng năm của GV, mà là trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phục vụ hoạt động nghề nghiệp trong thời gian dài. Nếu không có nhu cầu thăng hạng, trong suốt thời gian công tác GV chỉ phải tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN 1 lần để đáp ứng yêu cầu của hạng hiện giữ, nếu hạng đó có yêu cầu.

Theo quy định của Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV thuộc thẩm quyền của cả Bộ GD&ĐT và các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, toàn quốc có 55 trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV, giảng viên. Trong đó, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho 24 trường, UBND các tỉnh/thành phố giao nhiệm vụ cho 31 trường. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và có công văn yêu cầu trường được giao nhiệm vụ thực hiện việc bồi dưỡng đúng quy định. 

Về chương trình, năm 2016, Bộ GD&ĐT ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV tiểu học, THCS, THPT. Mỗi chương trình được thiết kế thời lượng 240 tiết, bao gồm kiến thức về chính trị, quản lý Nhà nước và kỹ năng chung; kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp. Theo ý kiến chuyên gia, chương trình bồi dưỡng được thiết kế phù hợp với từng hạng GV mỗi cấp học theo nguyên tắc đồng tâm và bậc thang; kết hợp phù hợp giữa lý thuyết và hoạt động thảo luận, thực hành nhằm trang bị kiến thức, phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Cấu trúc chương trình bồi dưỡng bao quát được những lĩnh vực mà hoạt động nghề nghiệp chuyên môn của GV chịu tác động; kể cả về kiến thức, kỹ năng và phẩm chất, đạo đức. Chương trình cũng đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp GV đang hướng đến với tư cách là bộ công cụ để GV tự đánh giá. 

GV, với tinh thần nghiêm túc học tập, sau khi được bồi dưỡng từ chương trình này sẽ được cung cấp, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tiêu chuẩn CDNN hạng cao hơn. Cần biết rằng, phát triển nghề nghiệp chuyên môn liên tục, thường xuyên với GV là bắt buộc và cần thiết mà không cần phải kèm theo bất cứ một yêu cầu, mệnh lệnh hành chính nào. Đây là nhiệm vụ tự thân, là trách nhiệm với bất cứ ai làm nghề giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).