Chưa thể yên tâm

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chủ tịch Hà Nội đã có công điện về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch kể từ 00 giờ 00 ngày 19/7.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Yêu cầu là vậy nhưng những gì diễn ra trong những ngày tiếp theo, khiến nhiều người lo lắng.

Chỉ vài giờ sau khi thời hạn áp dụng các biện pháp cấp bách có hiệu lực, các nẻo đường quanh những khu vực được cho là lí tưởng với những người ưa thích thể dục, thể thao như Bờ Hồ, đường Thanh Niên, hồ Trúc Bạch... xuất hiện nhan nhản những người đạp xe, chạy bộ. Hình ảnh do các tờ báo ghi lại còn thấy rõ cảnh người dân thản nhiên đạp xe bất chấp tấm biển báo tạm dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời để phòng chống Covid-19.

Khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, nhắc nhở, nhiều người còn rủ nhau dậy từ 3 giờ sáng để chạy bộ, đạp xe nhằm né tránh sự kiểm soát. Chưa biết những người ham tập luyện ấy sẽ khỏe đến đâu, nhưng 3 hôm sau, phường Nhật Tân (Quận Tây Hồ) đã phát đi thông báo truy vết những người liên quan đến ca F0 vì người này đã tập thể dục và đạp xe tại các tuyến phố quanh Hồ Tây và không nhớ đã tiếp xúc với ai.

Hay như hình ảnh hàng trăm người chen chân khi làm xét nghiệm PCR tại Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Mặc dù được nhắc nhở, yêu cầu tuân thủ quy định phòng chống dịch, nhưng số lượng người quá đông nên lực lượng bảo vệ cũng bất lực, buộc cơ sở này phải ngừng tiếp nhận người đến xét nghiệm.

Hoặc nữa là tình trạng ùn tắc, tập trung đông người để chờ tiêm vắc-xin tại Bệnh viện E, khiến cơ sở này buộc phải quyết định tạm dừng tiêm và chờ hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội.

Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên được lí giải theo nhiều cách khác nhau. Đầu tiên vẫn là ý thức của người dân khi không chấp hành quy định của thành phố trong ví dụ đạp xe và chạy bộ. Đây là vấn đề được đề cập, nhắc nhở, cảnh báo nhiều nhưng dường như chưa mấy cải thiện.

Kế đến là công tác chuẩn bị và sự chủ động của cơ quan chuyên môn trong việc phần luồng, kiểm soát các sự kiện tập trung đông người như đi xét nghiệm PCR. Và kế đến là công nghệ  – như lý giải của lãnh đạo Bệnh viện E - khi để xảy ra ùn tắc là do nhiều người dân hạn chế trong việc sử dụng QR Code để khai báo y tế dẫn đến việc phải hướng dẫn, giải quyết tại chỗ.

Đơn cử ba ví dụ trên để cho thấy, giữa yêu cầu, mong muốn của lãnh đạo thành phố và thực tế bên ngoài có sự khác biệt nhau thế nào.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Với những gì đang diễn ra, lo ngại về nguy cơ dịch lây lan ở mức độ lớn hơn tại Hà Nội là có cở sở nhất là khi các hoạt động tập trung đông người như tiêm vắc-xin, xét nghiệm lấy mẫu... sẽ ngày càng dồn dập.

Ngoài việc nâng cao ý thức cho người dân, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, tổ chức tiêm phòng một cách bài bản, khoa học thì Hà Nội rất nên có những biện pháp cứng rắn hơn, xử lý mạnh tay hơn với những trường hợp vi phạm phòng chống dịch.

Bởi nếu vẫn có những cá nhân hành xử thiếu trách nhiệm với xã hội, thì chưa thể yên tâm trước nguy cơ dịch lây lan, khiến thành phố có thể phải rơi vào một đợt giãn cách quy mô lớn như những gì đang diễn ra ở phía Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ