Liên tiếp xuất hiện hố tử thần
Từ các hố sụt lún trong ngày 26 - 27/11, đến ngày 2/12 một số hố tử thần lại xuất hiện liên tiếp tại khu vực thôn Bản Tàn. Chỉ trong vài ngày, hàng nghìn mét vuông ao thả cá, ruộng trồng ngô và lúa của người dân bị sụt lún, tạo thành những hố sâu, với đủ kích thước khác nhau. Điều này đã khiến cho người dân sống quanh khu vực tiếc của, hoang mang, lo sợ.
Cả đời gắn bó với Bản Tàn, cách đây 2 năm, có bao nhiêu vốn liếng vợ chồng bà Bàn Thị Thục dồn hết vào đầu tư 3.000 m2 ao nuôi thả cá. Giờ gần đến Tết, chuẩn bị tát ao, thu hoạch cá bán để xem lỗ lãi thế nào thì chỉ trong phút chốc, sau những tiếng nổ lớn như mìn, toàn bộ cá và nước ao bị hút xuống 3 hố sâu. Mặt ao trơ trọi bùn đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cũng đã cảnh báo người dân trong khu vực không đến gần các hố sụt lún, tiếp tục theo dõi diễn biến và kịp thời thông tin, báo cáo đến các cơ quan chuyên môn.
Huyện Chợ Đồn cũng đã báo cáo lên cấp có thẩm quyền để thống kê thiệt hại, có phương án hỗ trợ người dân, trấn an dư luận, đồng thời ổn định tình hình tư tưởng, sản xuất cho người dân.
Tiếc của, bà Thục nghẹn ngào: “Nghe như tiếng họ nổ mìn, tôi chạy ra xem ao cá của gia đình thì toàn bộ cá nuôi “chạy đi đâu hết”, 3 hố sâu tử thần xuất hiện trên ao. Trong đó, hố sâu nhất, đường kính dài gần 15m, độ sâu hơn 20m. Gia đình đã bơm nước ở hố sâu trong ao và huy động mọi người bắt được một ít cá còn lại, nhưng cũng chẳng đáng là bao, của nả và công sức mấy năm nay đều bị chôn vùi hết rồi”.
Cạnh đó, ruộng trồng lúa của nhà ông Phủ cũng bị sụt lún nhưng rất may gia đình đã thu hoạch xong vụ lúa. Cách đây hơn một năm, chiếc ao mà gia đình ông Phủ nuôi cá cũng xuất hiện hố tử thần, ao cạn nước, bỏ hoang từ đó đến nay.
Theo các hộ dân sống quanh khu vực, từ năm 2016 tại thôn Bản Tàn đã xuất hiện một số hố tử thần. Song chủ yếu là các hố bé nên người dân tự san lấp để trồng cấy lúa và ngô. Chỉ duy nhất ao thả cá nhà ông Phủ phải bỏ hoang, không tiếp tục nuôi bởi hố tử thần hút cạn kiệt nguồn nước nuôi cá.
Cần sớm có kết luận
Không thiệt hại về người nhưng việc xuất hiện ngày càng nhiều hố tử thần ở Chợ Đồn cũng khiến người dân hoang mang, ám ảnh.
Đầu tư làm ăn kinh tế bị mất trắng, sống trong khu vực xuất hiện hố tử thần, người dân luôn canh cánh nỗi lo: Không có vốn để làm ăn, hoặc san lấp để tiếp tục trồng cấy lúa, ngô, làm ao thả cá. Thậm chí, nhà có điều kiện, cũng không dám xây ngôi nhà kiên cố để ở.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp cùng với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) về khảo sát địa hình, tìm hiểu nguyên nhân, để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, ổn định đời sống cho người dân.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Quá trình thực địa cho thấy, hố sụt lớn nhất ở Chợ Đồn có diện tích khoảng 280 m2, thuộc diện lớn nhất trong số hơn 80 hố sụt lún trong khu vực. Hầu hết sụt lún ở đây là do trên tầng lớp phủ. Tầng lớp này thành phần chủ yếu là đất cát lẫn cuội sỏi nên khá dễ bị rửa trôi, phía trên là một lớp đất sét, dày từ 0,8 - 1,2m. Cấu trúc địa chất với tầng cát lẫn cuội sỏi như vậy thì rất dễ xảy ra sụt lún”.
Địa phương cũng đang chờ kết luận đánh giá của tỉnh với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, chỉ rõ nguyên nhân gây sụt lún để có giải pháp khắc phục, để nhân dân yên tâm sản xuất và ổn định đời sống.