Trong đó, bàn cãi tập trung nhiều vào tiêu chí: Phải được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục mới được đón khách trải nghiệm.
Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu rằng tiêu chí đó có mang tính hình thức, không phản ánh chính xác năng lực kinh doanh hay chất lượng dịch vụ và dẫn đến “phong trào”... “chạy” để được là gia đình văn hóa?
Có ý kiến còn không đồng tình, thậm chí một số chuyên gia cho rằng tiêu chí này “vi phạm điều cấm trong Luật Doanh nghiệp, vi phạm quyền tự do kinh doanh” và “nguy cơ tạo giấy phép con”.
Việc dư luận phản ứng như thế cho thấy cách quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa của Hội An nói riêng và các địa phương nói chung luôn nhận được sự giám sát, quan tâm đặc biệt từ cộng đồng.
Bởi vậy, mỗi góc nhìn, ý kiến thực sự góp phần vào việc phát huy giá trị di sản một cách bền vững rất cần được chính quyền địa phương tham khảo, lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng cần công bằng nhìn nhận và thấu tỏ tâm tư của lãnh đạo TP Hội An về thực tế: Phố cổ dần bị… nguội lạnh khi ngày càng nhiều hộ dân rời nhà cổ ra ngoài. Cụ thể, theo thống kê, hiện toàn phố cổ Hội An có hơn 1.200 di tích cổ, và chỉ khoảng 20 - 30% là có người ở.
Còn lại, đa phần gia chủ đã chuyển đi nơi khác để nhượng quyền cho người từ nơi khác vào kinh doanh, buôn bán. Thực ra, không riêng gì Hội An mà không ít phố cổ hoặc làng cổ khác khi đưa vào khai thác du lịch cũng dần bị nguội lạnh như thế.
Vậy, để “sưởi ấm” phố cổ thì bền vững hơn cả là khuyến khích người dân cùng ở lại và đưa những nếp nhà rộn tiếng nói cười cùng các sinh hoạt đời thường trở thành điểm đến trải nghiệm của du khách.
Tâm huyết đó được lãnh đạo TP Hội An thể hiện rõ trong quy định về các hộ muốn đón khách vào lưu trú trong khu phố cổ: Phải là cư dân bản địa Hội An, có địa chỉ thường trú và sinh sống thực tế tại ngôi nhà dự kiến tổ chức hoạt động.
Đồng thời, ưu tiên, khuyến khích hộ gia đình có tổ chức cuộc sống gắn liền với hoạt động sản xuất - kinh doanh các ngành, nghề truyền thống; có các hoạt động sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật... để du khách tham gia trải nghiệm.
Mong rằng, những ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả từ cộng đồng cùng tâm huyết của nhà quản lý vì một di sản văn hóa thực sự “sống” trong cách phát huy từ chính nếp nhà của người dân bản địa sẽ gặp gỡ để Hội An nói riêng và các phố cổ khác nói chung cùng được “sưởi ấm”, đem đến cho du khách những trải nghiệm vô giá về các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh... chỉ có ở Việt Nam tươi đẹp.