Sức sống làng chiếu Định Yên

GD&TĐ - Với sức sống bền bỉ vượt thời gian, không gian và cả những cạnh tranh của thị trường, chiếu lác Định Yên ngày nay vẫn là một thương hiệu uy tín, chất lượng, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Nam Bộ.

Bên cạnh nhiều hộ dệt máy vẫn còn nhiều hộ giữ nghề dệt thủ công truyền thống.
Bên cạnh nhiều hộ dệt máy vẫn còn nhiều hộ giữ nghề dệt thủ công truyền thống.

Nguồn gốc cha ông đi mở đất

Từ thời vùng đất này còn là rừng rậm hoang sơ, những cư dân đầu tiên đi mở cõi đã biết tận dụng cây lác, cây bố mọc hoang thiên nhiên để dệt nên những chiếc chiếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Chiếc chiếu dần trở thành vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt thường nhật và cả các lễ nghi văn hóa.

Từ đó Nam Bộ, hình thành nên những làng nghề thủ công dệt chiếu như xóm chiếu Cần Đước, xóm chiếu Gò Vấp (TPHCM), làng chiếu Tà Niên (Kiên Giang) và đặc biệt là làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp).

Những gia đình cố cựu ở làng Định Yên cho biết, năm xưa ông bà họ từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định), di cư vào phương Nam lập nghiệp. Khi đi, họ đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống của ông cha mình để làm kế sinh nhai.

Phong thổ phương Nam nói chung và vùng đất Định Yên nói riêng, có nhiều bãi bồi phù sa ven sông, vô cùng thuận lợi cho cây bố và cây lác (nguyên liệu chính cho nghề dệt chiếu) phát triển. Từ xóm làng heo hút, nhờ nghề chiếu ăn nên làm ra mà làng Định Yên sớm được hình thành sung túc và phát triển.

Những người dân di cư với nghề dệt chiếu đã truyền lại cho con cháu và cho cả người dân địa phương, dần dần hình thành nên một vùng dệt chiếu nổi tiếng và cung ứng cho khắp các tỉnh Nam Kỳ.

Người ta không biết làng chiếu Định Yên ra đời cụ thể từ khi nào, nhưng lấy dấu mốc thời điểm xây dựng đình làng năm 1910, khi làng Định Yên đã được hình thành phồn thịnh, được triều đình công nhận và sắc phong, thì nơi đây đã có làng chiếu hình thành.

Trải qua nhiều thăng trầm biến đổi suốt hơn một trăm năm, chiếu Định Yên đã định danh trên bản đồ văn hóa miền châu thổ Cửu Long. Đến năm 2013, nghề dệt chiếu Định Yên, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiện nay, làng nghề dệt chiếu Định Yên tập trung chủ yếu ở 2 xã Định An và Định Yên (thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp); các hộ dệt chiếu tập trung nhiều nhất ở xã Định Yên với hơn 70% hộ dân theo nghề dệt chiếu, tập trung ở các ấp: An Khương, An Lợi A, An Lợi B và An Bình. Sản lượng của cả làng nghề mỗi năm từ 900.000 đến 1 triệu chiếc.

Sức sống làng chiếu Định Yên ảnh 1
Dọc theo các tuyến đường ở xã Định An và Định Yên, chiếu và lác với nhiều màu sắc phong phú được phơi dọc theo hai bên đường.

Dọc theo các tuyến đường ở xã Định An và Định Yên, chiếu và lác với nhiều màu sắc phong phú được phơi dọc theo hai bên đường.

Mang lại nguồn lợi kinh tế

Chiếu lác Định Yên phong phú với nhiều chủng loại, mẫu mã và kích thước khác nhau như: Chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu Trà Niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc, chiếu cổ...  Chiếu được dệt theo chiều dài thống nhất 2m, chiều ngang 0,8 - 1,6m.

Người dệt chiếu cũng có thể gia giảm hoặc gia tăng kích thước theo đơn đặt hàng riêng của khách. Giá bán hiện nay khoảng từ 25.000 – 100.000 đồng/chiếc tùy vào kích thước, mẫu mã và chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Nên ở ấp An Lợi A cho biết, những năm 2000, làng chiếu có giai đoạn suy giảm do sự cạnh tranh những sản phẩm chiếu tre, chiếu gỗ, chiếu nhựa… mới mẻ, hiện đại và sang trọng.

Tuy nhiên do những ưu việt đặc thù chỉ có ở chiếu lác cùng với ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất; nhiều hộ mạnh dạn đầu tư máy dệt tự động hóa vào sản xuất, vừa rút ngắn thời gian làm ra sản phẩm, vừa đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lác được lựa chọn trước khi nhuộm màu.

Lác được lựa chọn trước khi nhuộm màu.

Hệ thống máy dệt được đưa vào sản xuất góp phần rút ngắn thời gian, công lao động và tăng số lượng sản phẩm.

Hệ thống máy dệt được đưa vào sản xuất góp phần rút ngắn thời gian, công lao động và tăng số lượng sản phẩm.

Từ đó đến nay, chiếu lác không còn là mặt hàng “quê mùa giữa chợ”, mà đã trở thành sản phẩm truyền thống mang đậm nét văn hóa Nam Bộ và dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ thủ công Định Yên, có mặt trên khắp nẻo đường đất nước.

Chị Hồ Thị Thủy – một hộ dệt chiếu bằng cơ giới cho biết, nếu như ngày trước 2 lao động dệt tay trong 1 tiếng rưỡi mới xong một chiếc chiếu thì ngày nay chỉ cần 1 người là có thể vận hành máy, cứ 30 phút là có thể dệt xong một chiếc chiếu. Vừa giảm sức lao động, vừa rút ngắn thời gian, vừa dệt được chiếc chiếu đều và khít hơn.

Chị Thủy cũng chia sẻ, mỗi chiếc máy dệt hiện nay có giá 25 triệu đồng, trong vòng nửa năm là có thể hồi vốn. Bản thân chị mỗi ngày dệt được 10 – 15 chiếc chiếu, trừ chi phí cũng có thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng.

Hiện nay ở làng nghề chiếu Định Yên, ngoài những hộ đưa máy dệt vào sản xuất thì vẫn còn nhiều hộ giữ nghề dệt thủ công. Bà Phạm Thị Y ở ấp An Khương cho biết, mỗi ngày bà và người con dệt tay cũng được 4 – 6 chiếu bông, mỗi chiếc bán với giá 22.000 đồng.

Trừ chi phí cũng thu nhập được khoảng 100.000 đồng/ngày. Bà cho biết thêm: “Dệt tay tuy cực nhưng vẫn có thể làm hoài vì còn có nhiều người thích dệt tay hơn dệt máy”.

Để có một chiếc chiếu thành phẩm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn: Trước hết là chọn sợi lác, nấu nước nhuộm từ phẩm màu, sau đó nhuộm từng bó lác một sao cho vừa đủ thấm màu, không quá đậm.

Sau khi nhuộm màu xong phải đem phơi nắng từ 1 – 3 tiếng cho khô rồi mới đưa vào dệt. Nếu dệt máy thì chỉ cần 1 người vận hành và cho “ăn”. Còn dệt tay thì cần 2 người, một người cầm cây dệt để dệt và một người cầm cây chùi để cho lác vào khung.

Ngày trước để bán được chiếu, người dệt phải đem ra chợ “ma” được nhóm vào lúc đêm khuya để bán. Ngày nay, giao thông thuận tiện, hệ thống thương lái từ nhiều nơi đến đặt hàng và thu mua tại chỗ nên việc cung ứng chiếu ra thị trường ngày một ổn định, nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Chiếu sau khi dệt xong phải được cắt gọn lại ở các mép.

Chiếu sau khi dệt xong phải được cắt gọn lại ở các mép.

Ngày nay để chiếu được bền, nhiều hộ làm chiếu còn thực hiện may vải bao quanh mép chiếu để giữ được độ bền lâu. Ảnh: Đức Vinh.

Ngày nay để chiếu được bền, nhiều hộ làm chiếu còn thực hiện may vải bao quanh mép chiếu để giữ được độ bền lâu. Ảnh: Đức Vinh.

Nghề dệt chiếu Định Yên trải qua những thăng trầm vẫn đứng vững trong lòng người dân; không chỉ mang đậm giá trị văn hóa của một vùng đất, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, giúp nhiều hộ dân ổn định kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Ngày nay, chiếu lác Định Yên được đăng ký thương hiệu, có bao bì và quy trình sản xuất khoa học, được đưa vào bán ở nhiều hệ thống siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc.

Những giá trị trong sinh hoạt và văn hóa ấy đã tạo nên một chuỗi “cung – cầu” và hình thành những làng nghề dệt chiếu. Điều đó tạo nên sức sống bền vững cho nghề dệt chiếu ở Nam Bộ nói chung và làng nghề dệt chiếu Định Yên nói riêng.

 Dẫu hàng trăm năm qua với nhiều thăng trầm biến đổi, nhưng ngày nay đến Định Yên, người ta vẫn còn nghe nhắc đến câu ca dao: “Ðịnh Yên có vựa chiếu to/ Lấy chồng xứ Ðịnh khỏi lo chiếu nằm”.

Điều đó chứng tỏ, chiếu Định Yên không chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn là một sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng châu thổ Cửu Long hào sảng và trù phú.

Theo dòng văn hóa miền đất mới Nam Bộ, dễ dàng thấy rằng, chiếc chiếu là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống, từ những sinh hoạt thường nhật đến các nghi thức lễ nghi văn hóa.
Trẻ con mới sinh ra, được người ta đặt nằm trên manh chiếu cói, bởi chiếu này có khả năng thấm hút mồ hôi rất tốt, bảo vệ sức khỏe và tránh bị lạnh. Đến khi cưới vợ gả chồng, thì đôi chiếu cưới là một trong số những vật dụng không thể thiếu của cuộc cưới xin.
Chính vì thế, ca dao có câu rằng: “Dù cho nệm gỗ chăn bông. Đâu bằng tấm chiếu tỏ lòng em trao”. Trong những nghi thức văn hóa và tâm linh, trải chiếu để quỳ lạy, khấn vái thần thánh, ông bà tổ tiên với ý niệm thanh sạch, tránh đi những thứ dơ bẩn khi thực hiện các nghi thức thiêng liêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ