Làm chính sách không thể lơ mơ, đại khái
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược, chính sách, thông tư...; xây dựng luận cứ trong các đường lối, chính sách, trong đó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phải đóng vai trò chủ công.
"Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phải đứng vững trên đôi chân của mình là nghiên cứu khoa học giáo dục. Sức mạnh của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phải là các nhóm nghiên cứu.
Chức năng chính của chúng ta là nghiên cứu, dự báo để tham mưu với Bộ trưởng thông qua các cục, vụ những vấn đề lớn về khoa học giáo dục.
Các cục, vụ là đơn vị tham mưu trực tiếp cho Bộ trưởng, nhưng để có được một chính sách, thông tư, phải dựa vào các nhà nghiên cứu, trong đó Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có vai trò quan trọng. … Không chỉ thế, Viện còn phải có nhiệm vụ quan trọng là phản biện” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khoa học giáo dục liên quan con người; Giáo dục là ngành rất đặc biệt và đang đổi mới trong một bối cảnh phức tạp, do đó, Bộ trưởng lưu ý, trong xây dựng văn bản, chính sách…, nếu không có luận cứ chắc chắn, không được kiểm định tốt thì uy tín, niềm tin của xã hội đối với Ngành sẽ bị ảnh hưởng.
“Khi đưa ra một thông tư hay chỉ thị, phải có nghiên cứu, lý luận vững chắc, được “dọn đường” bởi các nhà khoa học, dư luận xã hội đồng tình.
Phải nghiên cứu thật chu đáo, tìm chọn giải pháp hay, phù hợp, sau đó thông tin rộng rãi để xã hội hiểu, chia sẻ. Có như vậy tính khả thi mới cao, hạn chế rủi ro về chính sách.
Khi một thông tư ban hành sẽ tác động trực tiếp đến hàng triệu con người. Do đó, chính sách không thể làm lơ mơ, đại khái” – Bộ trưởng nêu quan điểm.
Quang cảnh buổi làm việc |
Giải pháp kết nối
Khẳng định hướng tiếp theo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cần bám sát nhiệm vụ nghiên cứu; tập trung đúng vào lĩnh vực mình có thế mạnh, đặc biệt dành nhiều nghiên cứu vào khảo sát thực tiễn, Bộ trưởng đồng thời đưa ra những nhiệm vụ cụ thể cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam liên quan đến xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị định 115 về phân cấp quản lý giáo dục...
Về đào tạo, theo Bộ trưởng, Viện nên tập trung đào tạo tiến sĩ gắn với nghiên cứu, đào tạo thông qua nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn.
Với cơ sở thực nghiệm của Viện, Bộ trưởng cho rằng đây phải là điểm sáng cho toàn Ngành, tiến tới nhân rộng ra các địa phương có điều kiện.
Về giải pháp, nhấn mạnh Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cần chủ yếu tập trung cho các nhóm nghiên cứu, bộ phận hành chính tinh gọn, Bộ trưởng đồng thời gợi ý Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nên thực hiện tốt 3 kết nối: Kết nối với các cục, vụ, văn phòng Bộ GD&ĐT; kết nối với các nhà khoa học, các chuyên gia; kết nối với thực tiễn.
Về đội ngũ, khẳng định đây là yếu tố quyết định, Bộ trưởng nhấn mạnh phải có chính sách để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học của Viện làm việc, nghiên cứu, từ đó thu hút được người tài.
“Về thực hiện tự chủ, chúng ta là một tổ chức khoa học công nghệ, cần phải tham khảo ngay quy định về tự chủ của các tổ chức khoa học công nghệ trên nền Nghị định 115” - Bộ trưởng lưu ý thêm.
GS Trần Công Phong báo cáo Bộ trưởng về những hoạt động của Viện, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị giúp Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát triển đúng tầm trong thời gian tới. |
Trước yêu cầu, chỉ đạo, gợi ý của Bộ trưởng, đưa ra định hướng đổi mới hoạt động của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, GS.TS, Viện trưởng Trần Công Phong kiến nghị thực hiện cơ chế Bộ GD&ĐT đặt hàng, giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng. Cụ thể:
Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển giáo dục; phân tích, dự báo nhu cầu GD&ĐT; đánh giá và xây dựng chính sách; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch phát triển các nguồn lực trong giáo dục; đánh giá và xây dựng các mô hình giáo dục, mô hình nhà trường và cơ sở giáo dục khác; đánh giá, đề xuất các chính sách đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo của Ngành; xây dựng chương trình giáo dục các cấp học, bậc học, cho các đối tượng, loại hình giáo dục khác nhau; xây dựng nguồn học liệu.
Bên cạnh đó, Bộ GĐ&ĐT có chính sách hỗ trợ về tài chính nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu cho Viện theo hướng ngoài kinh phí được cấp từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thường xuyên theo chức năng, Viện được cấp kinh phí hỗ trợ từ nguồn quản lý nhà nước và kinh phí sự nghiệp giáo dục để thực hiện các nhiệm vụ nói trên.
GS Trần Công Phong cũng đề nghị cho phép Viện tự chủ về nghiên cứu khoa học và đào tạo, tài chính và tài sản, tổ chức và biên chế theo lộ trình của Đề án kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị định 54/2016/NĐ-CP; mở rộng quy mô của Viện đáp ứng yêu cầu đa dạng của khoa học giáo dục…
Tại buổi làm việc, đại diện các cục, vụ Bộ GD&ĐT, cán bộ, chuyên gia của Viện đã đưa ra những ý kiến tâm huyết nhằm xây dựng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát triển đúng tầm.
Với tinh thần chia sẻ, cởi mở, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có những trao đổi, phân tích để làm rõ, đáp lại những góp ý, đề xuất; đồng thời giao những đầu việc cụ thể cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Tập trung lực lượng, phối hợp với các cục, vụ, văn phòng Bộ GD&ĐT để triển khai các nghiên cứu rà soát tình hình thực hiện chiến lược giáo dục, gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết 29 và chương trình hành động của Chính phủ;
Tham gia cùng các dự án và đâu đó là chủ công về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và kiểm tra, đánh giá.
Tổ chức đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật giáo dục, trước mắt đi sâu vào Thông tư 30 và mô hình Trường học mới (VNEN).