Sức lan tỏa từ một liên hoan văn hóa học đường

GD&TĐ - Văn hóa học đường đang là một vấn đề thời sự nổi cộm không chỉ trong các nhà trường, mà được cả xã hội quan tâm. 

Sức lan tỏa từ một liên hoan văn hóa học đường

Với mong muốn tạo ra một không gian hoạt động sinh động, đa dạng phục vụ công tác tuyên truyền, GD chính trị - tư tưởng, giá trị và chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lối sống nhằm hoàn thiện nhân cách cho HS; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ sở GD, ngành GD&ĐT Quảng Trị vừa tổ chức Liên hoan Văn hóa học đường cấp tỉnh năm 2017.

Không chỉ là một hoạt động văn nghệ

Vượt qua khuôn khổ của một sinh hoạt văn hóa văn nghệ thông thường, liên hoan còn lồng ghép nhiệm vụ GD kỹ năng sống cần thiết để các em tự tin trong các hoạt động học tập và sinh hoạt văn hóa trong và ngoài nhà trường; tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để thu hút HS vào các hoạt động bổ ích và có cơ hội giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm tổ chức và tham gia các sự kiện; phát hiện và trau dồi các khả năng tiềm ẩn trong giáo viên, HS nhất là trong cảm thụ, sáng tạo và tái hiện nghệ thuật, làm cho đời sống tinh thần của thế giới học đường được cải thiện và ngày càng phong phú.

Liên hoan đã thu hút 30 đơn vị trường học THPT, 9 đơn vị Phòng GD&ĐT và 4 đơn vị cơ sở GD chuyên biệt. Hội thi hướng vào các chủ đề chính: Nhận thức của người thi về “Văn hóa học đường” gắn với công tác xây dựng nếp sống văn hóa học đường và GD kỹ năng sống; Những biểu hiện chuyển hóa nhận thức trong các hành vi ứng xử thường ngày, trong mối quan hệ con người với môi trường sống, với công việc, với đồng nghiệp, thầy cô, bạn bè…; Ảnh hưởng của công tác tuyên truyền, GD pháp luật về an toàn giao thông, về phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trường học qua ứng xử thường ngày.

Các chủ đề đó được thể hiện qua các hình thức thi: Xây dựng một clip truyền thông phản ánh các hoạt động triển khai và kết quả công tác xây dựng nếp sống văn hóa học đường từ sau khi thực hiện Công văn 958/GDĐT ngày 15/9/2008 của Sở; Xây dựng một tiểu phẩm với một hoặc nhiều thông điệp bám sát các chủ đề hội thi; Thi tài năng văn nghệ, mỗi đơn vị dự thi 2 tiết mục, tập trung chủ đề nhà trường, chủ yếu với thể loại hát (đơn ca, song ca, tốp ca), múa (múa đơn, múa đôi, múa tập thể), trình tấu nhạc cụ và thuyết minh một chủ đề tự chọn trong số các chủ đề do Ban Tổ chức nêu ra.

Những hiệu quả thiết thực

Nhìn chung, phần lớn các đơn vị dự thi đã bám sát được nội dung và hình thức thi một cách xuất sắc, các đơn vị đã phản ánh được rõ nét thế giới văn hoá học đường sinh động vừa là mảnh đất màu mỡ tốt tươi ươm những mầm hy vọng, vừa là không gian trong lành nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao.

Chính vì thế, thông qua các hình thức hùng biện và tiểu phẩm, thông điệp mà hội thi gửi đến xã hội giống như một tuyên ngôn hành động: Nhà trường phải cùng xã hội đẩy lùi tệ nạn, giữ gìn môi trường sống lành mạnh, bảo vệ công lý, đấu tranh cho lẽ phải và tình thương… Nhận thức và hành vi văn hóa không bao giờ tách rời yếu tố cảm xúc.

“Biết xúc động qua nhiều nhận thức” là con đường thuận chiều mà người làm quản lý, chỉ đạo công tác văn hóa phải biết để có định hướng đúng về nội dung và phương pháp tiến hành.

Tiểu phẩm dự thi của nhiều đơn vị khiến người xem cảm động. Chủ đề nổi bật trong số đó là mỗi quan hệ người với người, giá trị con người: Một chị lao công bình dị vẫn có sức cảm hóa cả một nhóm học trò hư hỏng, quen nhìn người qua vẻ bề ngoài; một em HS khuyết tật chân thành, học giỏi đã làm thay đổi nếp nghĩ của bạn bè chỉ bằng một cử chỉ đẹp của mình.

Công việc của thầy cô ở nhà trường cần lắm sự tận tụy, đức hy sinh, có thể lúc này lúc khác chưa được chia sẻ thoả đáng, thậm chí có khi bị hiểu lầm nhưng bằng sự chân thành, trung thực, họ không những đã xóa tan những hoài nghi ở phụ huynh mà còn làm cho họ trở thành những người tuyên truyền viên cho công tác xã hội hóa GD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.