Vì sao không được rời khu cách ly khi chưa có kết quả âm tính lần 2?

GD&TĐ - Trong thời gian cách ly tập trung 14 ngày, công dân Việt Nam về từ nước ngoài phải có ít nhất 2 lần xét nghiệm âm tính.

Lập chốt kiểm soát khu vực nơi ở của BN1498. Ảnh: Truyền hình Hạ Long
Lập chốt kiểm soát khu vực nơi ở của BN1498. Ảnh: Truyền hình Hạ Long

Đây là điều kiện để họ được rời khỏi khu cách ly. Sau đó, cần tiếp tục cách ly 14 ngày tại nơi lưu trú.

Sai quy trình cách ly

Ngày 4/1, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 1498 là du học sinh Đ.T.N. (SN 1999), trú tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long (Quảng Ninh) mắc Covid-19. Trước đó, bệnh nhân này đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung sau khi nhập cảnh và trở về địa phương.

Theo điều tra dịch tễ, ngày 21/12/2020, bệnh nhân nhập cảnh từ Mỹ vào Việt Nam tại sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN 415 và ngồi số ghế 28K. Sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh, BN1498 được đưa về cách ly tại Trung đoàn E59 (Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội).

Đến ngày 22/12/2020, cơ quan y tế lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm. Bệnh nhân có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 2/1 qua, N. được lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm lần 2. Đến ngày 4/1, bệnh nhân có kết quả dương tính với Covid-19.

Tình trạng sức khỏe bệnh nhân thời điểm nhập cảnh và 2 lần lấy mẫu không sốt, không khó thở, không tức ngực, không phát hiện các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, sáng 4/1, trước khi có kết quả xét nghiệm lần 2, bệnh nhân đã được cho ra khỏi khu cách ly trở về địa phương. Đến 21 giờ tối cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh nhận được thông báo khẩn từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội về trường hợp của N. rằng, người này có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính.

Theo quy định của Bộ Y tế, trong thời gian cách ly tập trung 14 ngày, công dân Việt Nam về từ nước ngoài phải có ít nhất 2 lần xét nghiệm âm tính. Như vậy, họ mới được rời khu cách ly. Sau đó, cần tiếp tục cách ly 14 ngày tại nơi lưu trú. Ngày cuối cùng sẽ được lấy mẫu lần 3 để xét nghiệm. Như vậy, trường hợp bệnh nhân Đ.T.N. rời khu cách ly sớm khi chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 đã vi phạm quy định về cách ly.

Đây không phải trường hợp đầu tiên được rời khu cách ly tập trung dù chưa có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2. Tháng 8/2020, một ca F1 cũng được rời khu cách ly trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng nhấn mạnh:

“Cần cách ly F1 tập trung để tránh lây lan dịch bệnh. Các địa phương cần quán triệt việc này và tuân thủ nghiêm những quy định về cách ly. Tuyệt đối không để người đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2 ra khỏi khu cách ly tập trung. Người ra khỏi khu cách ly vẫn phải theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM bày tỏ, việc để người chưa có kết quả xét nghiệm lần 2 rời khỏi cách ly về cộng đồng sẽ khiến tình hình trở nên “rối” hơn.  

Không loại trừ dù âm tính với Covid-19

Tại Hội nghị Y tế toàn quốc 2020 diễn ra vào sáng ngày 6/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập là rất lớn. Đặc biệt, nguy cơ đến từ khách nhập cảnh, cộng đồng, nếu chúng ta lơ là trong kiểm soát dịch. Một trong những trường hợp lơ là gần đây là việc Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ (Hà Nội) ký giấy cho người nhập cảnh rời khu cách ly trước khi có kết quả xét nghiệm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định chống dịch, để dịch lây lan.

TS.DS Phạm Đức Hùng hiện công tác tại Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) cho biết:

“Xét nghiệm phát hiện được virus từ ngày 1 của triệu chứng và nhạy nhất trong vòng tuần đầu tiên sau khi có triệu chứng. Tỷ lệ dương tính giảm dần đến tuần thứ 3. Sau đó là không thể phát hiện được, ngoại trừ ở một số bệnh nhân nặng. Có một vài trường hợp có thể phát hiện được RNA virus đến tuần thứ 6 sau lần xét nghiệm dương tính đầu tiên”.

Theo chuyên gia này, kháng thể xuất hiện và tăng lên nhiều nhất sau 2 tuần khởi phát bệnh. Do đó, xét nghiệm kháng thể có độ nhạy tốt nhất là sau 2 tuần gặp triệu chứng. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể dương tính từ ngày thứ tư. Xét nghiệm này đặc biệt quan trọng ở những bệnh nhân nhẹ tới trung bình đến xét nghiệm muộn, sau 2 tuần từ khi khởi phát bệnh.

“Đối với kỹ thuật RT-PCR thông thường trong phòng thí nghiệm, cần 4 - 6 giờ để cho ra kết quả. Xét nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật ELISA trung bình mất 1 - 5 giờ để có kết quả nồng độ kháng thể trong máu. Riêng đối với xét nghiệm kháng thể nhanh, chỉ cần 15 - 20 phút đã ra kết quả có hay không có kháng thể”, TS.DS Hùng giải thích.

Ngoài ra, kháng thể cần thời gian để phát triển khi một người bị bệnh. Do đó, xét nghiệm kháng thể sẽ không chính xác với những người mới mắc bệnh. Vì vậy, TS.DS Hùng nhấn mạnh, nếu kết quả xét nghiệm kháng thể là âm tính, không thể loại trừ một người không mắc bệnh.

Đây là lý do người đó vẫn phải cách ly 14 ngày và làm thêm xét nghiệm PCR để chẩn đoán. Ngược lại, kết quả xét nghiệm kháng thể là dương tính cũng không nói lên được người này đang mắc Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ