Vì sao BN1440 dương tính 9 lần với Covid-19 dù không triệu chứng?

GD&TĐ - Việc BN1440 dương tính 9 lần sau nhiều ngày điều trị được cho là tình trạng không bất thường. Có thể là bệnh nhân chưa khỏi bệnh. Hoặc, cũng có thể là bệnh nhân đã khỏi, nhưng vẫn còn xác virus bên trong cơ thể.

BN1440 hiện được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.
BN1440 hiện được điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Không triệu chứng vẫn... dương tính 9 lần

Sáng 11/1, bác sĩ Văn Công Minh - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, BN1440 xét nghiệm lần thứ 9 vẫn cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. BN1440 là nam 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Bệnh nhân là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở lúc 2 giờ ngày 24/12. Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long lấy mẫu gửi Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm ngày 25/12.

Kết quả xét nghiệm ngày 26/12 của Viện Pasteur TPHCM cho thấy, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long.

Trong hơn 2 tuần điều trị tại đây, bệnh nhân có sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, không khó thở hay đau họng. 15 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần thứ hai âm tính với Covid-19.

Tuy nhiên, trước đó, Việt Nam cũng ghi nhận nhiều ca bệnh Covid-19 điều trị dài ngày. Người điều trị dài ngày nhất là BN91 - phi công người Anh, do bệnh lý nền nguy kịch. Người này xuất viện sau 115 ngày điều trị tại hai bệnh viện là Bệnh Nhiệt đới TPHCM (giai đoạn Covid-19) và Chợ Rẫy (giai đoạn điều trị phục hồi).

Trong khi đó, BN19 (nữ, 64 tuổi), điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ ngày 6/3 - 27/5. Bà từng phải sống nhờ hệ thống ECMO 17 ngày và ngừng tim đột ngột.

Người được ghi nhận xét nghiệm Covid-19 nhiều lần nhất tới nay là BN52. Tháng 5/2020, nữ bệnh nhân 24 tuổi quê Quảng Ninh nhập cảnh từ Anh, xét nghiệm 23 lần. Trong một tháng điều trị đầu tiên, bệnh nhân này xét nghiệm 13 lần, bởi liên tục có kết quả âm - dương tính.

Năm ngày sau xuất viện, BN52 tiếp tục tái dương tính và phải nhập viện ở Quảng Ninh, xét nghiệm thêm 4 lần nữa. Các bác sĩ quyết định chuyển cô đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Tại đây, cô được xét nghiệm thêm 5 lần trước khi được công bố khỏi bệnh.

Chỉ là xác virus?

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước giai đoạn quý I.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Do xuất hiện chủng mới của virus Covid-19 lây lan nhanh hơn ở nhiều nước, hạn chế tối đa các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán.
Trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về phải được các bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị kỹ lưỡng các cơ sở cách ly để thực hiện cách ly người Việt Nam nhập cảnh tập trung. Thời hạn, quy trình cách ly cần được rà soát, xem xét phù hợp với yêu cầu phòng chống lây lan của chủng virus mới, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Chia sẻ về trường hợp BN1440, bác sĩ Văn Công Minh nhận định, tình trạng này hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm thường xuyên.

Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, việc BN1440 dương tính 9 lần không hề bất thường.

Chuyên gia này dẫn chứng, trên thế giới cũng ghi nhận không ít trường hợp dương tính kéo dài với Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề cần được làm rõ là kết quả của BN1440 được xét nghiệm bằng kháng thể hay PCR. Đặc biệt, nguyên nhân BN1440 dương tính kéo dài chưa rõ là do virus còn sống hay đã chết.

Việt Nam và không ít quốc gia dùng xét nghiệm bằng phương pháp PCR để phát hiện, khẳng định một người có nhiễm Covid-19 hay không. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ xác định được sự có mặt của vật liệu di truyền virus SARS-CoV-2 trong cơ thể của bệnh nhân, thay vì phân biệt virus đã chết hay còn sống.

Vì vậy, bệnh nhân dương tính trong một thời gian dài khi điều trị không có gì lạ. Bởi, có thể là người này chưa khỏi bệnh, vẫn còn nhiễm virus. Hoặc, cũng có thể là bệnh nhân đã khỏi, nhưng còn xác virus trong cơ thể.

“Tuy nhiên, thông thường, virus không tồn tại lâu như vậy. Có thể trường hợp này còn mảnh vỡ của virus SARS-CoV-2”, PGS Nga phỏng đoán.

Bên cạnh đó, kết quả dương tính liên tục của BN1440 cũng cho thấy, người này chưa đào thải hết virus trong cơ thể. Do đó, PGS Nga nhấn mạnh, trường hợp này cần tiếp tục được cách ly và điều trị tới khi có kết quả âm tính.

Theo chuyên gia này, khả năng lây nhiễm của những bệnh nhân không triệu chứng không khác so với ca bệnh thông thường. Song, yếu tố nguy hiểm là người bệnh không được cách ly kịp thời. Trong khi đó, những người xung quanh không biết để đề phòng.

“Người dân cần tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đó là: Khẩu trang; Khử khuẩn; Không tụ tập; Khoảng cách; Khai báo y tế. Điều quan trọng là chúng ta cần hết sức cảnh giác. Bởi, hiện tại, không thể biết ai là người có nguy cơ”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.