Tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người: Bộ Y tế họp duyệt bước cuối cùng

GD&TĐ - Hôm nay (9/12), Bộ Y tế sẽ phê duyệt bước cuối cùng trước khi ra quyết định chấp thuận nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 "made in Việt Nam".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ còn 1 ngày nữa vắc xin phòng ngừa Covid-19 đầu tiên của Việt Nam sẽ chính thức thử nghiệm trên người, hôm nay 9/12, Bộ Y tế sẽ họp phê duyệt bước cuối cùng cho phép thử nghiệm vaccine (vắc xin) COVID-19 trên người của Công ty Nanogen và Học viện Quân y.

Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế), Ban Đánh giá các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học sẽ họp phê duyệt bước cuối cùng trong thử nghiệm lâm sàng Covid-19 trên người và sau đó, tất cả các thông tin liên quan sẽ được công bố đầy đủ sau cuộc họp.

Trước đó, theo kế hoạch, vào ngày mai 10/12, Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) sẽ bắt đầu quá trình thử nghiệm vắc xin trên người- bước tiến mở ra kỳ vọng về một loại vắc xin mang thương hiệu "made in Việt Nam".

Giai đoạn 1 thử nghiệm sẽ tiêm trên 40 người tình nguyện, từ 18 - 40 tuổi. Lần tiêm thử này đánh giá an toàn và liều tiêm phù hợp. Dự kiến, ngày 17/12 sẽ bắt đầu tiêm mũi tiêm thử nghiệm chính thức đầu tiên.

Giai đoạn 2 dự kiến vào tháng 3/2021, nghiên cứu trên số lượng rộng hơn (tối thiểu 400 người) để tiếp tục đánh giá độ an toàn và tính sinh miễn dịch. Trên cơ sở kết quả giai đoạn 2, đơn vị chức năng sẽ chuyển sang giai đoạn 3.

Ở giai đoạn 3, vắc xin sẽ được thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 10.000 người hoặc vài chục ngàn người tham gia thử nghiệm. Bộ Y tế cũng đang trao đổi với một số nước như Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để phối hợp, thực hiện thử vắc xin.

Thử nghiệm sẽ giao cho Học viện Quân y thực hiện và tập trung thử tính an toàn. Quá trình thử nghiệm lâm sàng có thể kéo dài 6 tháng, có thể nhanh hơn nếu các kết quả thử nghiệm thuận lợi. Dự kiến vào khoảng tháng 5/2021 vắc xin có thể được tiêm chủng đại trà.

Học viện Quân y chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt như thiết bị xét nghiệm, giường lưu cho cho các tình nguyện viên để chuẩn bị cho toàn bộ quá trình tiêm thử nghiệm vắc xin. Đồng thời, Học viện cũng có các bác sĩ cấp cứu sẽ liên tục theo dõi sức khoẻ của những trường hợp tiêm vắc xin để sẵn sàng có biện pháp xử lý kịp thời nếu có những phản ứng không mong muốn.

Yêu cầu đối với người tình nguyện viên được đưa ra dự kiến về tuổi từ 18-50 tuổi. Tất cả đều phải đảm bảo khỏe mạnh (không mắc các bệnh truyền nhiễm, mãn tính...), phải được sàng lọc qua một số cận lâm sàng cơ bản và đặc biệt không phải người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19.

Trong suốt quá trình thử nghiệm, các đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin dự tuyển Covid-19 nỗ lực để đảm bảo an toàn tối đa cho người tình nguyện cũng như có được kết quả chuẩn xác.

Phía đại diện Công ty Nanogen cho biết, dự kiến, nếu mọi việc diễn ra tốt, thì khoảng 4 tháng nữa sẽ hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng vắc xin. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tính đến phương án đưa vào vắc xin vào tiêm chủng.

Cũng theo dự kiến, dựa trên công nghệ đang có, Nanogen có thể sản xuất lên tới 20 triệu liều vắc xin trong một tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.