Ngân hàng sữa mẹ: "Cứu tinh" của trẻ sinh non khát sữa

GD&TĐ - Trẻ sinh non thiếu tháng thường mắc các bệnh lý nguy hiểm, sự sống luôn trong vòng báo động đỏ, thế nhưng phải sử dụng sữa công thức vì nhiều hoàn cảnh khác nhau. 

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại khu vực miền Nam được chính thức đưa vào hoạt động. Ảnh: L.N.
Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại khu vực miền Nam được chính thức đưa vào hoạt động. Ảnh: L.N.

Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ ra đời được ví như cứu tinh, mang lại nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho quá trình hồi phục và là hy vọng sống cho những bệnh nhi…

Mỗi năm khoảng 7.000 trẻ sinh non “khát” sữa mẹ

Ngày 10/4, sau 2 năm chuẩn bị Ngân hàng sữa mẹ (NHSM) thuộc Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là NHSM thứ 2 trên cả nước và là NHSM đầu tiên của khu vực phía Nam, là thành quả đầy tính nhân văn giữa sự kết hợp khoa học và tình yêu thương.

BS Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, theo thống kê của Bênh viện Từ Dũ, trong số 70.000 ca sinh mỗi năm thì có từ 6.000 đến 7.000 trẻ sơ sinh non thiếu tháng với các bệnh lý đi kèm theo rất cần nguồn sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng điều trị, hỗ trợ cho quá trình hồi phục.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn trẻ phải sử dụng sữa công thức do hoàn cảnh khách quan, như: người mẹ bị bệnh lý không thể cho con sử dụng sữa của mình, mẹ mổ không đủ sức khỏe cho con bú hay có sữa nhưng không đủ cho con.

Nhiều trẻ khi sử dụng sữa công thức phải đối diện với những nguy cơ viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh muộn, phải truyền dịch nuôi ăn qua tĩnh mạch...

Nhận định không có nguồn dinh dưỡng và nguồn kháng thể nào tối ưu hơn cho trẻ trong những năm tháng đầu đời hơn là sữa mẹ. Từ năm 2014, BS Thanh cùng đồng sự tại bệnh viện đã ấp ủ ý tưởng xây dựng NHSM để hỗ trợ điều trị và cứu sống cho những bệnh nhi vừa chào đời.

BS Thanh chia sẻ: “Từ ý tưởng đến việc triển khai thực hiện thành lập NHSM là cả một quá trình với nhiều thách thức từ thủ tục hành chính đến kiến thức chuyên môn, thao tác vận hành, công tác vận động nguồn sữa hiến tặng hay chương trình tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng.

Một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn sữa hiến tặng, làm sao đảm bảo được số lượng và chất lượng của nguồn sữa hiến tạng là quan trọng nhất, các khâu xử lý, phân phối sữa đã được hoàn chỉnh. Với nhiều năm chuẩn bị, thực hiện, và quá trình tìm tòi, tìm hiểu các tiêu chuẩn đến nay những khó khăn đã vượt qua được, niềm vui mới thật sự vỡ òa…

“Trong tương lai, quá trình vận hành có thể phát sinh nhiều khó khăn mà chưa lường trước được, tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện. Đây là NHSM thứ 2 trên cả nước và đầu tiên tại khu vực phía Nam ra đời theo hình thức phi lợi nhuận nhằm cung cấp sữa mẹ cho trẻ sơ sinh không được tiếp cận nguồn sữa mẹ, nhất là những trẻ sinh non mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm”- BS Thanh nhấn mạnh.

Tình yêu thương được sẻ chia

BS Thanh cho hay thêm, Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Từ Dũ hoạt động theo mô hình thu thập sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ bằng sữa của mình.

Nguồn sữa hiến tặng này được các bác sĩ chọn lọc từ những bà mẹ không mắc bệnh lý (viêm gan siêu vi, HIV...), không có các hành vi nguy cơ ảnh hưởng đến sữa mẹ và được kiểm tra, xét nghiệm máu theo quy trình rất nghiêm ngặt. Sau đó sữa được thanh trùng, bảo quản trong điều kiện vô khuẩn và cung cấp cho trẻ sơ sinh không được tiếp cận sữa mẹ như bình thường.

Trước mắt, sữa trong ngân hàng sữa mẹ sẽ được cung cấp cho trẻ sinh non của Bệnh viện Từ Dũ. Về lâu dài, khi nguồn sữa hiến tặng dồi dào hơn, ngân hàng sẽ cung cấp sữa cho các bệnh viện sản nhi khác trên địa bàn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố...

Trước mắt, sữa trong ngân hàng sữa mẹ sẽ được cung cấp cho trẻ sinh non của Bệnh viện Từ Dũ. Về lâu dài, khi nguồn sữa hiến tặng dồi dào hơn, ngân hàng sẽ cung cấp sữa cho các bệnh viện sản nhi khác trên địa bàn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố...

Là người đầu tiên hiến tặng sữa cho NHSM, chị Phạm Thị Tuyền (24 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, sau khi sinh con đủ tháng tại bệnh viện Từ Dũ, chị được vận động hiến sữa để cứu những trẻ sơ sinh sinh non, trong khi mẹ ruột của các con phải “lực bất tòng tâm”.

Không một chút ngần ngại, chị đã chia sẻ dòng sữa mát lành của mình với mong muốn tất cả trẻ sinh ra không bị thiệt thòi, đều được yêu thương, chăm sóc và lớn lên khỏe mạnh. Đã 3 tuần nay chị Tuyền đã hiến tặng được 14 lít sữa. 

Chung một tình yêu thương với những trẻ sơ sinh thiếu may mắn, ngay khi hay tin NHSM tại bệnh viện Từ Dũ đi vào hoạt động, anh Lê Thanh Khiết (ngụ Quận 1) đã tức tốc tìm đến với mong muốn hiến tặng sữa vì vợ anh vừa sinh con và có nguồn sữa dồi dào

“Vợ tôi sinh được 3 tháng, sữa rất nhiều trong khi nhiều bé lại khát sữa, do vậy tôi muốn tìm hiểu quy trình để đi hiến sữa vô ngân hàng cho mấy bé để dùng vì sữa mẹ tốt cho các bé…”, anh Khiết chia sẻ.

Tại Lễ khai trương NHSM, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, trên thực tế có rất nhiều trẻ sơ sinh không được tiếp cận nguồn sữa mẹ với những lý do bất khả kháng như: mẹ qua đời, mẹ mắc các bệnh lý khác, mẹ không thể cho con bú... Do đó, ngân hàng sữa mẹ ra đời sẽ giúp cho số trẻ này được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng sữa mẹ, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý nguy hiểm.

Bên cạnh đó, ngân hàng sữa mẹ cũng giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng nhấn mạnh, ngoài nguồn sữa của các sản phụ trong bệnh viện, NHSM cần mở rộng thu gom sữa tại các gia đình, tại các công ty, xí nghiệp, nơi có hàng triệu người phụ nữ đang nuôi con nhỏ sẵn sàng chia sẻ những giọt sữa của mình.

Về lâu dài, Bộ Y tế chủ trương không chỉ xây dựng 1-2 NHSM mà tất cả các bệnh viện sản, nhi trên cả nước đều phải có NHSM nhằm đảm bảo tất cả trẻ sơ sinh đều được sử dụng sữa mẹ, vì sự phát triển và tương lai nòi giống của người Việt Nam. Đây cũng là sự chia sẻ tình yêu thương đáng ghi nhận và tuyên truyền trong cộng đồng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.