Nam sinh 22 tuổi mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Ấn Độ B.1.617.2

GD&TĐ - Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thông tin, theo kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm, nam sinh 22 tuổi (Đ.H.Đ.P., quê tại Long An) và anh trai (Đ.H.Đ.N.) đều nhiễm biến chủng B.1.617.2, tức biến chủng Ấn Độ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hai bệnh nhân này được chuyển từ Long An lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Tình hình sức khỏe của bệnh nhân 22 tuổi, theo kết quả CT-Scan ngực, phổi của nam sinh này đông đặc toàn bộ phần bên trái và 2/5 phía dưới phổi phải.

Đồng thời, bệnh nhân bị rối loạn đông máu. Người này tiếp tục được thở máy, lọc máu Oxiris, can thiệp ECMO, sử dụng kháng sinh.

Bệnh nhân Đ.H.Đ.N. cũng xuất hiện tình trạng suy hô hấp. Người đàn ông này tiếp tục được thở máy không xâm nhập.

Bố của hai bệnh nhân trên cũng mắc Covid-19. Chùm ba ca nhiễm trong gia đình này hiện chưa rõ nguồn lây.

Biến chủng Ấn Độ từng được ghi nhận các bệnh nhân thuộc ổ dịch nhóm Truyền giáo Phục hưng. Đây là ổ dịch Covid-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay tại TP HCM, phát hiện từ hôm 26/5, đang tiếp tục ghi nhận nhiều ca nhiễm liên quan.

Trước đó, kết quả giải trình tự gene hai bệnh nhân trong chuỗi lây nhiễm tại một công ty kiểm toán ở quận 3, phát hiện ngày 18/5, cũng thuộc biến chủng Ấn Độ. 

Chủng virus mới được đánh giá lây lan mạnh và gây ra nhiều biến chứng nặng không chỉ những người có nhiều bệnh nền mà khiến nhiều người trẻ cũng gặp phải những diễn biến nặng.

Thực tế đánh giá đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam cho thấy, tốc độ lây lan của biến chủng Ấn Độ rất nhanh, đặc biệt trong các môi trường kín, thông khí kém, tập trung đông người như đám cưới, đám ma, quán karaoke, khu công nghiệp. Có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng và đã có khả năng lây lan cho người khác.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, cho biết 80% bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam ở tình trạng nhẹ, không triệu chứng. 20% còn lại là những người tiên lượng nặng. Trong đó, 5% bệnh nhân rất nặng, phải thở máy, ECMO.

Theo ông Khuê, nhóm triệu chứng nhẹ quan trọng nhất là thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn và nâng cao thể trạng. Với những ca tiên lượng nặng, thầy thuốc phải tập trung điều trị, theo dõi sát, tránh để sức khỏe của họ chuyển biến xấu.

Bản tin trưa 4/6 của Bộ Y tế cho biết tính đến 12h ngày 04/6, Việt Nam có tổng cộng 6.657 ca ghi nhận trong nước và 1.538 ca nhập cảnh.

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 5.087 ca.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ