Không lạm dụng miếng dán chống muỗi

GD&TĐ - Giao mùa là thời điểm muỗi xuất hiện nhiều. Vì thế, bệnh truyền nhiễm do muỗi như sốt xuất huyết cũng dễ bùng phát. Việc sử dụng các miếng dán chống muỗi khá tiện dụng, nhưng không tốt cho sức khỏe.

Không lạm dụng miếng dán chống muỗi

Dễ dị ứng, mẩn ngứa

Miếng dán chống muỗi với đủ loại nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Trung Quốc. Nó được rao bán khá tràn lan trên mạng, cửa hàng bán đồ trẻ em.

Theo quảng cáo, các miếng dán này sử dụng công nghệ cao nano với những chiết xuất từ thực vật như bạch đàn, dầu xả, dầu thực vật, bảo vệ muỗi tấn công trong phạm vi 1m.

Tại một cửa hàng chuyên bán đồ dùng trẻ em ở phố Sơn Tây (quận Ba Đình, Hà Nội), người bán hàng quảng cáo, có hai dòng sản phẩm chính xuất xứ từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Giá bán dao động 40.000 - 50.000 đồng/hộp 10 miếng dán đến 168.000 đồng/hộp 14 miếng dán.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng - Khoa Hóa, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, chiết xuất cây sả hay bạch đàn có thể đuổi được côn trùng. Nhưng đó là quảng cáo. Chưa ai có thể khẳng định miếng dán chứa các hoạt chất đó. Hơn nữa khi tác dụng trực tiếp lên da, thành phần này rất dễ gây dị ứng, mẩn ngứa. Trẻ em hít nhiều tinh dầu này có thể dẫn đến suy hô hấp.

Thành phần của keo dính, chất dung môi hòa tan có trong miếng dán được pha chế như thế nào. Phụ gia đi kèm là những chất gì thì không ai biết được. Vì thế, nguy cơ bị mẩn ngứa, phồng rộp da là rất gần. Đặc biệt là đối với da của trẻ em còn non nớt, sức đàn hồi kém thì rất dễ phản tác dụng.

PGS.TS Nguyễn Thúy Hoa, Trưởng khoa Côn trùng và Động vật học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đây là sản phẩm chưa được kiểm tra bởi Bộ Y tế. Nó chưa được phép bán tại Việt Nam dù quảng cáo tốt đến đâu. Khó có thể khẳng định được sản phẩm tốt hay dở, có gây kích ứng cho da hay không vì đến nay vẫn chưa được ai kiểm nghiệm.

“Theo nguyên tắc, tinh chất trong cây sả và bạch đàn có thể khiến muỗi bị xua đi khi ngửi thấy mùi. Nhưng chất lượng sản phẩm sẽ không cao lắm hay tuyệt đối với côn trùng. Nhất là đối với loại muỗi vằn khi đã đói thì sức hấp dẫn của mùi người sẽ mạnh hơn cả mùi này. Vì thế, các bà mẹ đừng nên chủ quan khi dùng”, PGS Hoa khẳng định.

Thông thường, để sản xuất miếng dán, nhà sản xuất phải dùng tinh dầu sả và các dung môi khác hay keo để dính vào quần áo. Trong khi trẻ nhỏ rất hiếu động và nghịch nên dù được khuyến cáo là dính trên quần áo vẫn có thể bị dính vào da hay cho vào miệng. Nếu không được kiểm định tốt thì nguy cơ bị mẩn ngứa hay lở là rất cao vì da trẻ rất non và dễ mẫn cảm. 

Chống muỗi tự nhiên

Có rất nhiều hình thức chống muỗi khác nhau không phải sử dụng đến hóa chất. GS Bùi Công Hiển, Hội Công trùng học Việt Nam cho biết, trước đây, lính Mỹ tham gia chiến tranh ở Việt Nam thường sử dụng kem chống muỗi.

Dạng cao dán chống muỗi giờ mới có. Dù cao dán có gây phản ứng hay không thì tốt nhất cũng không nên sử dụng. Dán cao là phương pháp không có cơ sở khoa học trong việc phòng chống muỗi.

GS Bùi Công Hiển cho biết, có thể đuổi muỗi trong nhà bằng thảo mộc khô, cây cỏ sử dụng trong đời sống hàng ngày. Muỗi không thích mùi rau bạc hà, mùi vỏ quýt, mùi hoa đinh hương. Các loại này để khô rồi cho vào túi lưới, đặt tại góc nhà.

Có thể đốt các loại vỏ trái cây có tinh dầu đuổi muỗi như bưởi, cây ngải hoa vàng hoặc thanh hao phơi khô. Bồ kết phơi khô, cây hương nhu, cây gỗ thơm, vỏ bưởi, bã mía... đốt tạo khói trong nhà. Chỉ đốt với số lượng vừa phải để tạo ra một làn khói thoang thoảng trong nhà, tránh bị ngạt.

Có thể trồng các loại cây xung quanh nhà để đuổi muỗi như cây ngũ gia bì chân chim, vừa khả năng chống ô nhiễm và khử được khí độc trong nhà. Có thể đặt trong phòng nhà một bồn hoa dạ lan hoặc bạc hà. Xung quanh nhà có thể trồng xây xả, cây hương nhu trắng ở những chỗ ẩm ướt nơi muỗi hay trú ẩn sinh sản ở quanh vườn, cạnh bể nước.

GS Bùi Công Hiển cho biết, các loài muỗi, đặc biệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường gây ra các vụ dịch ở những nơi đông dân và kém vệ sinh môi trường. Muỗi truyền bệnh rất thích đẻ trứng vào chỗ nước sạch hay nước mưa, thậm chí ngay một chén nước nhỏ, một lọ cắm hoa, một đĩa nước chống ẩm trong phòng điều hòa, một vũng nước nhỏ ở mái che, ban công… thậm chí ở khay đựng bát đĩa trong bếp còn đọng nước.

Có thể nói không có nước thì muỗi không tồn tại. Một đặc điểm nữa cần lưu ý là bọ gậy và cung quăng (giai đoạn trước trưởng thành của muỗi) thường chỉ sống ở nước ngọt (nồng độ muối thấp) và phải thường xuyên ngoi lên mặt nước để thở. Do vậy, để diệt bọ gậy và cung quăng người ta có thể dùng muối hòa vào trong nước hay dùng dầu ăn, dầu nhớt… tạo một lớp màng trên mặt nước.

Những nơi ao hồ, nước tù đọng cần có sự chung tay của cộng đồng cư dân tổng vệ sinh thường xuyên. Những bể nước ngầm cần thả cá để ăn bọ gậy. Ngoài ra có thể dùng đèn bắt muỗi, vợt muỗi… “Nhà nào có nhiều cây thì hãy phun cồn y tế vào gốc cây để diệt muỗi, làm sạch không khí.

Với nhà có rãnh nước xung quanh thì hãy sử dụng dầu hỏa đổ lên mặt nước của rãnh nước thải, muỗi sẽ không thể đẻ trứng và trú ngụ ở đó”, GS Bùi Công Hiển cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ