Khắc tinh của “gương mặt quỷ”

GD&TĐ - Gương mặt quỷ là căn bệnh nhiều người đặt cho bệnh nhân không may mắc bệnh u xơ men hoặc có khối u khiến khuôn mặt biến dạng. Nếu như trước kia, bệnh nhân phải giấu mình trong nhà hoặc che mặt khi ra đường thì nay, với kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ có thể phẫu thuật, tạo hình, trả lại khuôn mặt hoàn chỉnh cho bệnh nhân.

GS.TS Trịnh Đình Hải hội chẩn cùng ê kíp trước khi phẫu thuật
GS.TS Trịnh Đình Hải hội chẩn cùng ê kíp trước khi phẫu thuật

Hành trình kỳ diệu

Trung tuần tháng 8, các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương thực hiện phẫu thuật để tái tạo lại khuôn mặt cho bé gái 16 tuổi - N.G.L (người Thái Nguyên) bị u xơ men vùng hàm mặt. Khối u phát triển khiến khuôn mặt bé biến dạng, lệch sang một bên. Bệnh nhân thường xuyên bị cơn đau hành hạ nên ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, kết quả học tập cũng không như ý muốn.

Mắc bệnh từ khi 8 tuổi, lúc đầu chỉ là cơn đau bình thường. Dù gia đình đưa đi khám ở nhiều nơi nhưng bệnh không được điều trị triệt để. Khi không chịu nổi những cơn đau, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương khám. Tại đây, bác sĩ kết luận bé bị u xơ men. Do bệnh không quá nguy hiểm, cơ thể còn nhỏ, chưa đáp ứng được các yêu cầu để phẫu thuật nên cả bác sĩ và bệnh nhân chấp nhận vừa điều trị giảm đau vừa chờ bệnh nhân lớn.

Theo GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh cách đây vài năm, chưa gây biến dạng mặt nên chúng tôi phải chờ bệnh nhân qua tuổi trưởng thành để khuôn mặt định hình, đủ sức khỏe… Khi 16 tuổi, mặt bị biến dạng, gây đau nên bác sĩ quyết định chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân được cắt bỏ khối u và phần xương hàm dưới sau đó dùng kỹ thuật vi phẫu để lấy phần xương mác cẳng chân ghép cho bệnh nhân nhằm tái tạo lại khuôn mặt. Tuy nhiên, do phẫu thuật lớn nên chỉ làm một bên, 6 tháng sau, bệnh nhân trải qua một lần phẫu thuật nữa thì khuôn mặt mới hoàn chỉnh.

Cuộc chiến giành giật sự sống và tìm lại gương mặt cho người bệnh mang danh “gương mặt quỷ” là sự nỗ lực của y bác sĩ, là việc làm chủ kỹ thuật hiện đại, đồng thời đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà. 

U vùng hàm mặt, biến dạng vùng hàm mặt do tai nạn không phải trường hợp hiếm. Cách đây 2 năm, các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã trả lại gương mặt cho bệnh nhân Triệu Mùi Chài (Nguyên Bình, Cao Bằng) sau 20 năm sống chung với khối u nặng 4 kg trên mặt.

Đây là ca bệnh đáng nhớ với GS.TS Trịnh Đình Hải và ê kíp phẫu thuật. Đáng nhớ bởi khối u to che hết khuôn mặt bệnh nhân, làm hỏng mắt, một phần khối u nằm trong sọ não nên quyết định phẫu thuật trong tình trạng “5 ăn 5 thua” bởi bệnh lý phức tạp, bệnh nhân lớn tuổi lại mắc nhiều bệnh lý đi kèm. Nhắc đến ca phẫu thuật trên, GS. TS Hải và cả ê kíp phẫu thuật gọi đây là hành trình kỳ diệu bởi trước đó nhiều bệnh viện đã từ chối phẫu thuật. Kỳ diệu hơn nữa là những bệnh nhân này đều được phẫu thuật miễn phí, điều mà trước đây họ chưa dám nghĩ tới.

Mỗi ca phẫu thuật là một “trận chiến”

Tính đến thời điểm này, đã có 500 ca được các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương áp dụng kỹ thuật vi phẫu để trả lại gương mặt hoàn chỉnh cho các bệnh nhân.

Để có được kết quả trên, các bác sĩ phải trải qua thời gian dài day dứt trong việc tìm ra kỹ thuật tái tạo hàm mặt. Bởi với những bệnh nhân mắc bệnh vùng hàm mặt, nếu phải cắt bỏ sẽ mất 1/3 khuôn mặt. Trước kia, bệnh nhân sẽ được cấy nẹp thay thế nhưng cũng chỉ được 1 - 2 năm mảnh kim loại chọc vào da khiến miệng chảy nước, rất khó chịu. Nếu không, bệnh nhân sẽ không dám ra đường vì khuôn mặt méo mó, dịch khoang miệng tiết ra liên tục, nói phều phào mà ăn uống cũng khó. “Có những bệnh nhân khi bắt buộc phải ra ngoài thường che khăn mùi soa kín mặt, hạn chế nói chuyện” - GS Trịnh Đình Hải nhớ lại.

Tuy nhiên, từ khi kỹ thuật vi phẫu ra đời, việc cấy ghép nẹp được coi là tiểu phẫu. Với kỹ thuật mới, bác sĩ sẽ cắt xương sườn để ghép vào xương hàm dưới. Kỹ thuật này so với nẹp kim loại là bước tiến. Nhưng qua theo dõi bệnh nhân vẫn xuất hiện bất cập bởi xương sườn bé, dễ gãy, lâu ngày có thể thoái hóa. Không đầu hàng, các bác sĩ tiếp tục nghiên cứu và quyết định dùng vi phẫu lấy xương mác cẳng chân uốn thành hình xương hàm dưới. Theo Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương), cái khó của phương pháp này là phải lấy được cuống mạch nuôi, mô mềm động mạch để cấp máu và thoát dịch ra ngoài.

Được biết, mỗi ca phẫu thuật thường kéo dài từ 8 - 10 tiếng, có ca 15 tiếng. 3 kíp phẫu thuật phục vụ một ca mổ (phẫu thuật cẳng chân, cắt bỏ xương hàm và gây mê hồi sức) và rất nhiều trang thiết bị vật tư y tế, thuốc men, dịch truyền, máu đi kèm. Nói vậy để thấy rằng, đằng sau mỗi gương mặt hoàn chỉnh là một “trận chiến”, nơi bác sĩ căng não để thực hiện chính xác từng động tác, đem lại thành công cho ca mổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ