Hãy rửa tay "vì sức khỏe của bạn và cộng đồng”

GD&TĐ - Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống dịch bệnh, đó là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi mít tinh.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại buổi mít tinh.

Lan tỏa thông điệp

Ngày 18/10/2020, tại Hòa Bình, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 2020” với chủ đề “Rửa tay với xà phòng - Vì sức khỏe của bạn và cộng đồng”.

Dự mít tinh có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch phát triển bền vững và truyền thông đối ngoại Quỹ Unilever Việt Nam Đỗ Thái Vương và khoảng 600 đại biểu đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương, cùng các em học sinh.

Buổi mít tinh được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc rửa tay với xà phòng đúng cách, cũng như khuyến cáo duy trì thói quen vệ sinh này vào 10 thời điểm chủ chốt để phòng chống dịch bệnh, ngay cả trong bối cảnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi mít tinh

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi mít tinh

Phát biểu khai mạc tại buổi mít tinh, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới, bàn tay không sạch là một trong những con đường phổ biến nhất để vi khuẩn lây lan từ người sang người.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc thì có 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Vì vậy, để góp phần giảm thiểu dịch bệnh, từ nhiều năm nay, tỉnh Hòa Bình đã duy trì đều đặn việc lan tỏa thông điệp “Rửa tay với xà phòng vì sức khỏe của bạn và cộng đồng” tới nhiều tầng lớp nhân dân.

Cũng tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân trong việc chủ động phòng, chống các dịch, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, hô hấp. Đặc biệt là vai trò của việc rửa tay với xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng chế phẩm vệ sinh tay chứa ít nhất 60% cồn trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và các đại biểu thực hiện hoạt động rửa tay với xà phòng tại lễ mít tinh.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và các đại biểu thực hiện hoạt động rửa tay với xà phòng tại lễ mít tinh.

"Rửa tay với xà phòng làm giảm tới gần 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này. Rửa tay với xà phòng cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm…", Thứ trưởng Tuyên nói.

Duy trì thói quen rửa tay với xà phòng

Hoạt động mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng” đã được thường xuyên tổ chức trong nhiều năm qua. Năm 2020, buổi mít tinh với chủ đề “Rửa  tay với xà phòng vì sức khỏe của bạn và cộng đồng” tiếp tục khẳng định tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay sạch, đúng cách với xà phòng và kêu gọi “Duy trì thói quen rửa tay xà phòng đúng 10 thời điểm - Phát huy lá chắn phòng, chống dịch bệnh”.

Để triển khai các hoạt động hưởng ứng, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ ngành, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức, trường học, cơ sở y tế cần xây dựng và ban hành chính sách, quy định, hướng dẫn về xây dựng, bảo quản các công trình, điểm rửa tay với xà phòng đảm bảo mọi người được tiếp cận và dễ dàng sử dụng, phù hợp cho từng đối tượng khác nhau.

Các đại biểu thực hiện ghép tranh, tuyên truyền lan tỏa thông điệp “Rửa tay với xà phòng - Vì sức khỏe của bạn và cộng đồng”.
Các đại biểu thực hiện ghép tranh, tuyên truyền lan tỏa thông điệp “Rửa tay với xà phòng - Vì sức khỏe của bạn và cộng đồng”.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh trong thời gian qua, Việt Nam là nước khống chế thành công, hiệu quả dịch COVID-19 và đã được thế giới đánh giá rất cao, trong đó việc thường xuyên thực hành rửa tay với xà phòng và nước sạch là một trong những biện pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh.

Rửa tay đúng cách gồm 6 bước với xà phòng và nước sạch hoặc sử dụng chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn trong vòng 30 giây để phát huy tối đa hiệu quả diệt khuẩn.

Học sinh Hòa Bình hào hứng trả lời các câu hỏi của Ban tổ chức về lợi ích của việc rủa tay với xà phòng.
Học sinh Hòa Bình hào hứng trả lời các câu hỏi của Ban tổ chức về lợi ích của việc rủa tay với xà phòng.

10 thời điểm quan trọng cần rửa tay với xà phòng được Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế khuyến nghị bao gồm: Sau khi ho/hắt hơi; Trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thực phẩm; Sau khi đi làm về/từ bên ngoài trở về nhà; Sau khi tiếp xúc/chăm sóc người bệnh; Sau khi đi vệ sinh; Sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ; Sau khi mua sắm/cầm tiền; Sau khi tiếp xúc vật nuôi; Trước khi đi vào lớp học; Bất cứ khi nào tay bẩn.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, Hòa Bình là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, với một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thì việc thay đổi nhận thức, thói quen và hành vi là điều không dễ dàng đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành mà tiên phong là ngành y tế.

Tỉnh Hòa Bình đang làm tốt công tác phòng dịch COVID-19 và chúng ta cần phải tích cực duy trì các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có tuyên truyền người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn tay bằng chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.