Con số gây choáng váng
Theo thống kê của UNICEF, mỗi năm các nước trên thế giới ghi nhận khoảng 300.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do mắc bệnh tiêu chảy.
Con số này tương đương với 800 em phải từ biệt cuộc sống mỗi ngày. Tiêu chảy được chứng minh liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường.
Tại Việt Nam, tiêu chảy hay viêm phổi không phải là bệnh lạ, thậm chí quá phổ biến. Nguyên nhân thì có nhiều trong đó hành vi khiến nhiều người không ngờ tới là việc không rửa tay với xà phòng ở thời điểm cần thiết.
Một nghiên cứu được tiến hành ở Việt Nam năm 2010 cho thấy, tỷ lệ các bà mẹ rửa tay với xà phòng vào thời điểm cần thiết rất thấp. Có 36% bà mẹ rửa tay sau khi đi vệ sinh, 23% rửa tay trước khi ăn, 19% rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn. Thậm chí, chỉ có 15% rửa tay bằng xà phòng sau khi giúp con đi vệ sinh.
Không rửa tay với xà phòng ở thời điểm quan trọng có thể do nguyên nhân khách quan như thiếu nước sạch, không có xà phòng nhưng phần lớn vẫn do sự chủ quan của người lớn.
Ở thành thị hay nông thôn, ta dễ dàng bắt gặp cảnh người dân trước hoặc sau khi chế biến thức ăn, đi vệ sinh lại rửa tay với xà phòng. Cũng có người chỉ rửa qua với nước rồi tiện lau vào quần áo. Việc làm trên được chứng minh hoàn toàn không có tác dụng làm sạch vi khuẩn, vi trùng gây bệnh.
Tiêu chảy, tả, tay chân miệng… diễn ra quanh năm ở nước ta là minh chứng điển hình cho việc lười rửa tay với xà phòng của người dân, ở trẻ nhỏ.
Theo Trưởng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của UNICEF, Sanjay Wijesekera, những con số về tỷ lệ trẻ tử vong mỗi năm thực sự rất choáng váng. Nhưng chúng ta còn choáng váng hơn nhiều khi biết đôi khi chính bàn tay bẩn của mình lại liên quan đến bệnh tật và cái chết của trẻ.
Dạy trẻ từ hành động nhỏ
Chiến tranh, hạn hán đang là người bạn đồng hành với bệnh tật ở khắp mọi nơi. Tại Việt Nam, hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực miền Trung, miền Tây Nam Bộ thời gian qua đã tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ em ở những vùng bị ảnh hưởng.
Thiếu nước sạch, thực hành vệ sinh kém đã góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, lỵ, tả, tay chân miệng và nhiều bệnh ngoài da khác.
Bàn tay được chứng minh là trung gian đem mầm bệnh vào cơ thể con người. Theo các nhà khoa học, mỗi cm2 bề mặt da của cơ thể chứa tới hàng chục ngàn vi khuẩn có khả năng gây bệnh.
Vi khuẩn tập trung chủ yếu ở da bàn tay (khoảng 200 triệu mầm bệnh khác nhau) do đôi tay tiếp xúc thường xuyên với đủ mọi đồ vật. Một đôi tay như vậy, nếu không chủ động vệ sinh thì mỗi lần chạm vào mắt, mũi, miệng đã lan truyền nhiều loại vi khuẩn.
Đấy là chưa kể đến việc đôi bàn tay còn chạm vào nhiều thứ mất vệ sinh khác. Điển hình như phân, nước tiểu mỗi người đều chứa nhiều vi khuẩn.
Nếu chỉ lơ là một chút, mọi người có thể đưa vi khuẩn trên đến mọi nơi, lây cho mọi người. Và cũng chỉ cần hành động nhỏ là quệt tay lên miệng, mắt… thì hàng triệu vi khuẩn trên ngay lập tức tìm được chỗ trú ngụ mới và thỏa sức lây từ người này sang người khác.
Số trẻ tử vong và nguyên nhân gây bệnh cho trẻ làm cho mọi người choáng váng. Nhưng điều đáng mừng, những con số trên có thể giảm xuống rất nhiều bằng cách giúp người dân, trẻ nhỏ thực hành giải pháp đơn giản là rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Việc làm nhỏ trên có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy đến 40%. Theo ông Friday Nwaigwe, Trưởng chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em (UNICEF tại Việt Nam), trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai chính là thách thức mới với trẻ em Việt Nam, mỗi người lớn cần nâng cao ý thức của mình trong việc giữ vệ sinh môi trường, thân thể, đặc biệt là đôi bàn tay. Hãy lan truyền việc làm trên đến cho từng trẻ nhỏ, giúp các em hình thành thói quen để ngăn ngừa sự lan truyền của bệnh tật.
- Khoảng 1,4 - 1,7 triệu trẻ em trên thế giới không sống được cho đến sinh nhật lần thứ 5 vì các bệnh tiêu chảy và viêm phổi.
- Khi trẻ rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nguy cơ mắc tiêu chảy của các em giảm được 40%...