Hà Nội: Tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ BHYT

GD&TĐ - Quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB), không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc TP.Hà Nội đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2019. Các đối tương không tham gia BHYT sẽ chịu mức các mức giá dịch vụ này.

Điều chỉnh giá giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ.
Điều chỉnh giá giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nghị quyết quy định cụ thể danh mục, giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT bao gồm: 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.

Bổ sung và tăng giá 1865 danh mục

Theo đó, việc tăng giá viện phí được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, thị trấn; người bệnh chưa tham gia BHYT;

Người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

UBND thành phố Hà Nội đã làm rõ về việc tăng giá, giảm giá dịch vụ y tế, đó là tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 30/11/2018, có hiệu lực thi hành từ 15/1/2019 có quy định khung giá tối đa cho 1953 danh mục không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp.

So với Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố ngày 4/7/2017 thì Thông tư 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế điều chỉnh tăng 1.865 danh mục với tỷ lệ tăng trung bình 3,23%, điều chỉnh giảm 54 danh mục, giữ nguyên giá 12 danh mục, đồng thời có bổ sung 22 danh mục như: Đo mật độ xương, nội soi dạ dày làm Clo test, kỹ thuật phối hợp thận nhân tạo và hấp phụ máu bằng quả hấp phụ máu, thay băng vết thương hoặc mổ chiều dài ≤ 15cm, châm (kim ngắn), điện châm (kim ngắn), thay băng cắt lọc vết bỏng diện tích dưới 5% diện tích cơ thể... Trên cơ sở phân tích đó, trong đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, Hà Nội áp dụng đúng bằng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư 37/2018/TT-BYT.

Theo sở Y tế Hà Nội, với tỷ lệ người chưa tham gia BHYT không cao (13,3%), việc tăng giá dịch vụ y tế được kiểm soát an toàn, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cũng như không tạo sự biến động quá lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn.

Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Ngày 1/8/2017, HĐND thành phố Hà Nội đã ra nghị quyết về điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế và hiện tại là điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2018/TT-BYT.

Theo đó, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng từ 0,3% đến 22%. Cụ thể, ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc của bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 362.800 đồng lên 441.000 đồng (tăng 21,6%); bệnh viện hạng I từ 335.900 đồng tăng lên 411.000 đồng (tăng 22,4%); bệnh viện hạng II từ 279.100 đồng lên 314.000 đồng (tăng 12,5%); bệnh viện hạng ba từ 245.700 đồng lên 272.000 đồng (tăng 10,7%).

Một số dịch vụ có mức tăng cao như: nghiệm pháp hồi phục phế quản với thuốc giãn phế quản tăng từ 63.300 lên 92.900 đồng (tăng 46,8%); xử lý mẫu xét nghiệm độc chất tăng từ 67.200 đồng lên 192.000 đồng (tăng 185,7%)…

Các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ

Với nguồn kinh phí thu được từ điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2018/TT-BYT, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II dành 5% mức giá, bệnh viện hạng III, hạng IV, chưa phân hạng dành 3% mức giá để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, các khoa điều trị;

Mua bổ sung, thay thế: bàn, ghế, giường tủ, xe đẩy, điều hòa nhiệt độ, đèn sưởi, quạt sưởi, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa… để bảo đảm điều kiện chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc quy định mức giá khám chữa bệnh cho đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, Bộ Y tế cũng như TP.Hà Nội hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt về giá khám chữa bệnh giữa người có BHYT và người không có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở y tế.

Việc điều chỉnh giá cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do đảm bảo các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng tính đủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý khám chữa bệnh thống nhất một danh mục, một giá.

Mặt khác, việc tăng giá lần này sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, thúc đẩy người dân mua BHYT, tăng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ