Cuộc chiến bác sĩ và BHYT: Lý lẽ thuộc kẻ mạnh?

 Câu nói của ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế – Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về chuyện bệnh viện chia nhỏ chụp X-quang chân để thu tiền thật sự… “lợi hại”.

Cuộc chiến bác sĩ và BHYT: Lý lẽ thuộc kẻ mạnh?

Bởi nó làm cho “bất hoà” giữa bác sĩ và bảo hiểm y tế (BHYT) thêm sâu sắc.

TS.BS Lê Văn Phúc nói: “Từ cẳng chân đến gót chân có dài bao nhiêu đâu, nhưng bệnh viện lại tách ra chụp cẳng chân, cổ chân và gót chân riêng, thu trên 300.000 đồng phí dịch vụ”. Câu nói này thật sự làm “nóng mặt” giới bác sĩ, vì hoá ra họ trục lợi BHYT.

Bác sĩ nước ta vừa khám bệnh vừa phải canh cánh lo những quy định ngặt nghèo của BHYT. Ảnh có tính minh họa.

Bác sĩ nước ta vừa khám bệnh vừa phải canh cánh lo những quy định ngặt nghèo của BHYT. Ảnh có tính minh họa.

Thời buổi quỹ BHYT căng thẳng, vì thế Bảo hiểm xã hội (BHXH) cố gắng siết chi trả. Thực tế trục lợi BHYT là có thật. BHXH tìm ra ở địa phương này hay thành phố kia có người dân đi khám BHYT hơn trăm lần mỗi quý.

Thậm chí có người sáng khám bệnh viện này, chiều khám bệnh viện kia, làm xét nghiệm lòi ra nhiều bệnh khác nhau để lãnh thuốc. Người ta cũng phát hiện vài bệnh viện kê thêm giường, chỉ định xét nghiệm sai hay bác sĩ tăng lượt khám bệnh, thực hiện thủ thuật mỗi ngày để lấy tiền BHYT.

Lạm dụng quỹ BHYT ở đâu cũng có. Tại Mỹ, người ta nhận thấy có chuyện thầy thuốc lạm dụng và chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân không cần thiết, dẫn đến thiệt hại hàng trăm tỉ USD, qua đó ảnh hưởng nguồn quỹ của BHYT.

Một phân tích của viện Khoa học quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2005, cho thấy cứ 1 USD chi cho chăm sóc sức khoẻ ở nước này thì có đến 30 – 40 xu có dấu hiệu lạm dụng điều trị. Thậm chí có nghiên cứu cho thấy BHYT có thể cắt giảm 30% chi trả mà không ảnh hưởng gì đến bệnh nhân.

“Nói có sách, mách có chứng” như thế mới thuyết phục. Trong khi đó, những phát biểu thiếu chứng cứ hay lập luận chắc chắn của nhà quản lý BHYT nước ta, mới nhất của ông Lê Văn Phúc, lại dễ gây phản ứng trong giới điều trị.

Trên Facebook cá nhân của mình, một bác sĩ có tiếng về xương khớp, viết: “Anh ta cố gắng làm cho người dân nghĩ rằng các bác sĩ, các bệnh viện luôn luôn tìm cách ăn cắp tiền của BHYT, nên anh ta và các đồng nghiệp của anh ta phải khắt khe, phải căng thẳng.

Thậm chí, anh ta còn muốn ám chỉ rằng những kẻ đi khám nhiều lần là do các bác sĩ, các bệnh viện thông đồng, hoặc quá ngu dốt để không phát hiện, chứ không phải là do lỗi quản lý của BHYT”.

Một ngày sau khi bị cộng đồng phản ứng, ông Phúc nói lại: “Theo tôi không cần chỉ định chụp nhiều phim, vì như thế sẽ đưa người ta vào “ăn” chia nhiều”. Ông nói đúng.

Nhưng cũng vị bác sĩ xương khớp kia phản ứng trên Facebook: “Chỉ cần một sinh viên Y3 là đã biết một nửa số trường hợp gãy xương không cần chụp X-quang cũng xác định được có gãy. Tuy nhiên, người ta chụp X-quang đâu phải chỉ để xác định có gãy hay không mà để biết đường gãy ra sao, gãy kiểu nào, thấu khớp hay không... để quyết định hướng điều trị”.

Nếu có năng lực thật sự, giới quản lý quỹ phải bịt được chuyện trục lợi này, chứ không thể “lu loa” trên công luận khiến giới bác sĩ bức xúc. Nói như một số ý kiến trong những ngày qua, nếu BHXH phát hiện được chuyện người dân và nhân viên y tế trục lợi, thì nên chuyển vài vụ sang cơ quan điều tra xử lý và đưa ra toà để răn đe.

Nhưng thật tình BHYT nước ta thường xử sự với giới bác sĩ ở dạng phán xét và áp đặt của kẻ bề trên. BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, nêu ví dụ: bác sĩ chỉ được BHYT thanh toán nếu trong hồ sơ ghi là “vét hạch” (từ giới y khoa phía Bắc hay dùng), còn ghi “nạo hạch” (từ thường dùng của giới y khoa phía Nam) thì bị BHYT… từ chối thanh toán.

Tương tự, phải ghi là “cột” thay vì “thắt” hay “buộc”, ghi “khâu vết thương”; thay vì “may vết thương” mới được BHYT chi trả. Nếu ghi sai, bệnh viện bị xuất toán hay bác sĩ phải bỏ tiền túi đền như chơi… Dường như “vạch lá tìm sâu” để tăng cường xuất toán là chuyện phổ biến của phía thẩm định BHYT.

Tôi không biết họ làm thế vì chỉ tiêu bên trên đưa ra hay không, nhưng nhiều quy định quá ngặt nghèo của họ khiến bệnh nhân ác cảm với thầy thuốc, chứ không biết rằng thầy thuốc bị BHYT… “trói buộc””.

Phải chăng vì là “kẻ mạnh” nên BHYT có quyền áp đặt lên giới chuyên môn? Theo một bác sĩ Việt Nam định cư ở Mỹ, trong trường hợp tranh cãi chuyên môn giữa BHYT và giới bác sĩ, hội nghề nghiệp là nơi cao nhất phân xử và có tiếng nói quyết định. Nhưng ở nước ta, ý kiến của những hội nghề nghiệp y khoa lại thường ít được lắng nghe.

Theo danviet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.