Công suất xét nghiệm tăng gấp 2 - 3 lần

GD&TĐ - Công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cải thiện rất nhiều, gấp từ 2 - 3 lần so với các đợt dịch trước. Hiện, các phòng xét nghiệm trên cả nước có thể thực hiện 100.000 mẫu đơn/ngày.

Việt Nam hiện có 125 tổ chức đủ năng lực xét nghiệm khẳng định Covid-19.
Việt Nam hiện có 125 tổ chức đủ năng lực xét nghiệm khẳng định Covid-19.

Hơn 300 nghìn mẫu xét nghiệm

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch bệnh đang diễn biến nhanh, xuất hiện tại 26 địa phương. Đặc biệt, lãnh đạo ngành y tế bày tỏ quan ngại về khả năng lây nhiễm Covid-19 trong các khu công nghiệp.

Thời gian qua, Bộ Y tế chỉ đạo tổng thể đánh giá, rà soát lại và ban hành nhiều chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch.

“Trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng công suất xét nghiệm. Chỉ tính riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 - 12/5 đã thực hiện 306.138 mẫu xét nghiệm.

Trong đó, ghi nhận 643 ca dương tính. Đối với các địa phương, Bộ Y tế cũng đã và liên tục yêu cầu phải đảm bảo nâng công suất xét nghiệm”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế cho biết sẽ thành lập bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị, địa phương đặt ở mức cao nhất trong phòng, chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định, hiện Việt Nam có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện, chẩn đoán virus SARS-CoV-2, bao gồm: Realtime RT-PCR để xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19; test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể.

Công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cải thiện rất nhiều, gấp từ 2 - 3 lần so với các đợt dịch trước. Hiện, các phòng xét nghiệm trên cả nước có thể thực hiện 100.000 mẫu đơn/ngày. Công suất tăng gấp 5, 10 lần nếu thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...).

Cùng đó, Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn thực hiện đối với từng loại hình xét nghiệm cho các tình huống. Trong đó, bao gồm tình huống toàn quốc có 30.000 ca nhiễm Covid-19.

Tăng cường năng lực xét nghiệm

Báo cáo cụ thể về năng lực xét nghiệm, bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết, test nhanh kháng nguyên nhằm hỗ trợ giám sát, dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ cho kết quả của RT- PCR. Hiện nay, Việt Nam mới có và bắt đầu sử dụng. Trong khi đó, test nhanh kháng thể mang tính chất sàng lọc, nghiên cứu, đánh giá dịch tễ.

“Các kỹ thuật này đều đã được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện đầy đủ, nhằm hỗ trợ các phòng xét nghiệm được cấp phép trên cả nước nâng cao năng lực xét nghiệm”, bà Hằng khẳng định.

Đến nay, toàn quốc có 175 cơ sở đủ khả năng thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó, có 125 phòng đủ năng lực xét nghiệm khẳng định.

Do đó, trong đợt dịch thứ 4 này, khả năng xét nghiệm tăng nhanh. Tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã thực hiện gần 310.000 mẫu xét nghiệm.

Ngoài ra, hiện có 3 loại sinh phẩm phục vụ cho các kỹ thuật xét nghiệm. Trong đó, có 16 loại sinh phẩm cho xét nghiệm RT-PCR, 4 loại sinh phẩm cho test nhanh kháng nguyên và 9 loại cho test kháng thể. Đây là các loại sinh phẩm được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng sản phẩm do Tổ chức Y tế thế giới hay CDC Mỹ khuyến cáo.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cả nước hiện có 100 bệnh viện sở hữu phòng xét nghiệm, bao gồm phòng xét nghiệm khẳng định và sàng lọc. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo tất cả bệnh viện với 300 giường bệnh trở lên phải có phòng xét nghiệm khẳng định.

Thứ trưởng đồng thời đề nghị Cục Y tế Dự phòng tiếp tục có công văn gửi các cơ sở về tăng cường năng lực xét nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, UNICEF khẳng định, ngày 16/5, sẽ có thêm 1.682 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZenceca được chuyển giao cho Việt Nam, thông qua nguồn COVAX Facility. Bộ Y tế sẽ tiến hành phân bổ nguồn vắc-xin này cho tất cả các đơn vị địa phương để thực hiện công tác tiêm chủng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán các nguồn vắc-xin. Nhờ đó, bảo đảm đủ vắc-xin tiêm chủng cho người dân. Song song đó, Bộ Y tế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm tiêm chủng an toàn cho người dân.
Tính hết ngày 12/5, cả nước có 62 tỉnh, thành phố hoàn thành việc tiêm vắc-xin Covid-19, với 942.030 mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.