Chuyên gia lý giải tiêm vắc xin vẫn mắc Covid-19

GD&TĐ - Trong 53 nhân viên dương tính với Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh có 52 người không triệu chứng.

53 nhân viên hiện được cách ly điều trị tại Khoa Nhiễm A-D.
53 nhân viên hiện được cách ly điều trị tại Khoa Nhiễm A-D.

Theo các chuyên gia, hiện tại, mục tiêu hiệu quả nhất của vắc-xin phòng Covid-19 là không gây bệnh nặng và tử vong.

Giảm nguy cơ tử vong

GS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, ngày 11/6, từ trường hợp một bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, bệnh viện đã triển khai các hoạt động sàng lọc. Đồng thời, truy vết và lên phương án cách ly, lấy mẫu cho tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện. Đặc biệt là các trường hợp có liên quan, tiếp xúc với ca mắc.

“Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã thực hiện tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho 1.200 cán bộ, thầy thuốc và nhân viên. Theo y văn quốc tế, trong số những người được tiêm vắc-xin, vẫn có tỷ lệ nhất định có thể nhiễm SARS-CoV-2.

Nhưng những người đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nếu nhiễm SARS-CoV-2, ít có khả năng phát triển thành bệnh”, GS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu dẫn chứng.

Ông Châu nhấn mạnh, trong 52 nhân viên mắc Covid-19 (một người chưa tiêm vắc-xin do đang có thai 3 tháng), chỉ một người có triệu chứng nhẹ. GS Châu cho biết, theo y văn quốc tế, vắc-xin phòng Covid-19 sẽ giảm tình trạng bệnh nặng và không dẫn đến tử vong.

Trước đó, bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) và các lực lượng chức năng của thành phố. Qua đó, tiến hành lập danh sách các trường hợp liên quan, bệnh nhân xuất viện, chuyển viện trong 15 ngày qua.

Bên cạnh đó, GS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, bệnh viện đang tiếp tục rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc với những ca dương tính. Thực hiện cách ly tại lầu 3, 4, 5 để cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Đồng thời, phối hợp cùng HCDC xử lý các trường hợp F1, F2 tại địa phương. Tăng cường khử khuẩn bề mặt đồ dùng cá nhân trong môi trường bệnh viện. Bố trí nhân sự tại bệnh viện, bảo đảm duy trì tốt hoạt động điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như an toàn chống dịch.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng đề xuất ngừng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 mới trong 1 tuần. Tuy nhiên, các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch cần can thiệp chuyên sâu như ECMO vẫn được tiếp nhận điều trị. 

Chỉ vắc-xin mới giúp bỏ 5K

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), kể từ khi vắc-xin được sản xuất, không loại nào có tỷ lệ bảo vệ 100%. Luôn luôn có một tỷ lệ dù đã tiêm vắc-xin, nhưng vẫn mắc bệnh. Vì vậy, vắc-xin Covid-19 cũng không ngoại lệ.

Bác sĩ Khanh giải thích, mục tiêu của vắc-xin nhằm giúp người tiêm không mắc bệnh, nhưng không thể bảo vệ 100%. Ngoài ra, vắc-xin khiến người bệnh không thể dễ dàng lây cho người khác.

Đồng thời, khó bị lây bệnh từ người khác. Tuy nhiên, bối cảnh này sẽ không thể xảy ra nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong khi đó, chuyên gia này đánh giá, mục tiêu hiệu quả nhất hiện nay là để người mắc không bị bệnh nặng và tử vong.

Vì vậy, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, vắc-xin phòng Covid-19 là cơ hội duy nhất để giải quyết vấn đề. Vắc-xin cũng là cơ hội duy nhất cho bản thân mỗi người, gia đình và đồng nghiệp.

“Chỉ có vắc-xin mới cho phép chúng ta bỏ dần các K trong 5K và trở lại cuộc sống bình thường. Điều này là ước mơ của mọi người và đã được chứng minh ở nhiều nước có độ phủ cao”, chuyên gia cho biết.

Kết hợp biện pháp khác

Trưa ngày 13/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết đã ghi nhận 53 trường hợp mắc Covid-19. Những người này là nhân viên tại các phòng, ban khối hành chính của bệnh viện. Hiện, 53 nhân viên này được cách ly điều trị tại Khoa Nhiễm
A-D. Trong đó, 52 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) nhận định, việc nâng cao tỷ lệ người tiêm vắc-xin trong cộng đồng là “công cụ” giảm sự lây nhiễm của virus.

“Đối với những nước có tỉ lệ này thấp, như Việt Nam, chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chặt chẽ để tránh bùng dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế!”, TS Vũ nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho rằng, trường hợp 53 ca dương tính ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM có thể do các nhân viên ngồi chung phòng. Họ tiếp xúc gần và thiếu cảnh giác trong việc lây nhiễm virus.

“Những tai nạn lây nhiễm chéo trong không gian làm việc như thế này có thể khắc phục bằng cách nâng cao ý thức của nhân viên và áp dụng một số biện pháp quản lý phòng dịch mà nhiều nơi đã, đang làm trong thời gian đại dịch”, TS Vũ khuyến cáo.

Theo đó, TS Vũ cho rằng, các cơ quan, tổ chức, bệnh viện cần kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ cho nhân viên mỗi đầu ngày làm việc. Yêu cầu nhân viên có biểu hiện cảm, sốt ở nhà. Giãn cách chỗ ngồi cho các nhân viên (ít nhất 2 mét). Ngoài ra, yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.

Đặc biệt, chỉ bỏ khẩu trang khi uống nước hoặc ăn cơm. Lưu ý, không ăn cơm chung với đồng nghiệp, trừ khi đó là người trong gia đình (vợ, chồng...). Đồng thời, giảm tối đa nhân viên đến công sở bằng cách cho những người có thể làm việc qua mạng thực hiện điều đó tại nhà.

“Đối với những người bắt buộc phải đến chỗ làm, nên chia thành nhiều ca để giảm số người cùng xuất hiện ở nơi làm việc trong một thời điểm. Nếu được, nên thông gió cho các văn phòng, đưa ánh sáng mặt trời vào, thay vì đóng kín cửa và mở máy lạnh liên tục”, TS Nguyễn Hồng Vũ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.