Cảnh báo trẻ ngộ độc chì từ thuốc bôi cai sữa đông y

GD&TĐ - Hiện nay, có tình trạng để cai sữa cho con, nhiều bà mẹ truyền tai nhau loại thuốc bôi đông y giúp nhanh chóng cai sữa. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có thể nhiễm chì…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngộ độc chì do tiếp xúc với sản phẩm có dư lượng chì quá cao là mối nguy đang rình rập người dân, đặc biệt là trẻ em. 

Mặc dù đã được cảnh báo nhiều về mối nguy nhiễm độc kim loại từ các loại thuốc gia truyền chữa bách bệnh, nhưng vẫn không ít người vẫn tìm đến loại thuốc này với hy vọng “thuốc đông y không độc”. 

Gói thuốc bột bôi cai sữa và tờ hướng dẫn sử dụng. Nguồn: SKĐS.

Gói thuốc bột bôi cai sữa và tờ hướng dẫn sử dụng. Nguồn: SKĐS.

Thông tin trên báo SKĐS, BS. Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) cho biết, thời gian qua, có rất nhiều trẻ bị ngộ độc chì do cha mẹ tự điều trị bằng thuốc đông y được quảng cáo tràn lan trên mạng, truyền tai nhau, không có cơ sở khoa học có chứa kim loại chì để chữa tưa miệng, còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn, tiêu chảy…

Nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Với trường hợp chị V. rất may là chưa dùng loại thuốc bôi đông y kia để cai sữa. Nếu không, rất có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm độc chì khi ngậm đầu ti của mẹ.

Theo bác sĩ Thảo, trẻ nhiễm độc chì có biểu hiện đau bụng, nôn, chán ăn, thiếu máu, trẻ chậm phát triển, giảm khả năng nghe, chậm phát triển về thần kinh nhận thức, các hành vi hung hăng, chống đối xã hội, bạo lực, chứng tăng vận động và giảm tập trung…, hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém.

Khi trẻ có biểu hiện nặng trên hệ thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.

Trong khi đó, việc phát hiện trẻ nhiễm độc chì lại rất khó. Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.

Chính vì vậy, nhiều trường hợp trẻ đã nhiễm độc nặng mới được phát hiện bệnh và đưa đến cơ sở y tế.

Triệu chứng ngộ độc cấp chì

Bộ Y tế đăng tải thông tin, khi uống phải muối chì sẽ xuất hiện một số dấu hiệu ngộ độc cấp như rát miệng, nôn, đau bụng, tiêu phân đen sau đó táo bón, có thể bị vô niệu do thận bị tổn thương, tăng urê huyết…

Trường hợp ngộ độc chì trường diễn sẽ xuất hiện vành đen ở lợi miệng rất sớm, có thể có các dấu hiệu thần kinh như thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, nhức đầu, hoang tưởng ảo giác.

Để chẩn đoán ngộ độc chì trường diễn cần chú ý lượng chì có tự nhiên trong cơ thể: mức trung bình của chì trong máu 0,06 mg/100 ml, trong nước tiểu 24 giờ là 0,08 mg. Nếu hàm lượng chì có trong máu hoặc nước tiểu quá cao có nghĩa đã ngộ độc chì.

Để tránh nhiễm độc chì cần chú ý cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu lượng bụi chì và hợp chất của nó xâm nhập cơ thể, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân tiếp xúc với chì 6 tháng/lần.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý chức năng cần thường xuyên kiểm tra dụng cụ dùng sinh hoạt (như cốc thủy tinh, đồ nhựa chén bát, đồ chơi trẻ em… có hình ảnh màu mè sặc sỡ) đang lưu hành xem có đạt tiêu chuẩn không.

Các chuyên gia khuyến cáo, bậc cha mẹ cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm độc chất từ đồ chơi. Tốt nhất, không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt, càng có nhiều màu sắc “bắt mắt” càng có nguy cơ chứa chất phủ là độc chất của chì.

Riêng thuốc đông y cũng có những độc chất như trong thuốc tây y nên phải thật cẩn trọng khi sử dụng, tránh nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện sử dụng lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ