Bộ Y tế: 81% trường hợp mắc bệnh bạch hầu do không tiêm chủng

Cục Y tế dự phòng dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, ổ dịch tại khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+).
Tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 198 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu là các ca mắc trong tháng 6-7. Trong đó, khu vực Tây Nguyên là 172 ca, miền Trung 22 ca, miền Nam 4 ca. Riêng miền Bắc từ năm 2015 đến nay không có ca bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những biện pháp giải quyết bệnh chính là xóa vùng lõm tiêm chủng.

Dự báo tiếp tục xuất hiện ổ dịch

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với sự tham gia của 62 tỉnh, thành phố diễn ra ngày 21/9, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết có tới 161 ca bạch hầu không tiêm chủng (chiếm 81,3%), chỉ có 37 ca bệnh có tiêm chủng.

Theo ông Tấn, điều tra dịch tễ cho thấy, trong 198 trường hợp dương tính với virus gây bệnh bạch hầu (138 ca bệnh và 60 người lành mang trùng), có 4 ca tử vong (Đắk Nông 2 ca, Gia Lai 1 ca, Kon Tum 1). So với cùng kỳ năm 2019 (41 trường hợp mắc, 3 tử vong) số mắc tăng 157 trường hợp, tử vong tăng 1 trường hợp. Số mắc tăng lên từ tháng 6 đến tháng 8, riêng khu vực Tây Nguyên tăng rõ rệt từ tháng 6 năm 2020.

Số mắc từ 3 tháng tháng đến 78 tuổi, phân bố rải rác ở các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 10-14 tuổi.

Nhận định về khó khăn trong phòng chống dịch bạch hầu, tiến sỹ Tấn cho biết các xã có ổ dịch đa số ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vắcxin. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm.

Nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở nhóm tuổi lớn, ở thời điểm chương trình tiêm chủng mở rộng chưa triển khai đầy đủ, có xã trắng về tiêm chủng.

Một số địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa quản lý được hết các đối tượng, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở quy mô cấp xã. Vắcxin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố, không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắcxin.

Bo Y te: 81% truong hop mac benh bach hau do khong tiem chung hinh anh 2
Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, miễn dịch bạch hầu là không bền vững, đối với người đã tiêm đủ 4 mũi vắcxin có thành phần bạch hầu cần tiếp tục được tiêm nhắc lại. Đầu tư cho công tác phòng chống dịch từ nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, hoặc cấp muộn, không đảm bảo đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng cũng dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, các ổ dịch tại khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, sau nhiều năm tích lũy số lượng không được tiêm chủng hoặc tiêm không đủ mũi, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Phải giải quyết vùng lõm tiêm chủng

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ đa số các ca bệnh đều xuất hiện ở vùng lõm tiêm chủng. Vì thế phải giải quyết được vùng lõm này, đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị ngay sau hội nghị, Sở Y tế ở các tỉnh có dịch bạch hầu báo cáo Uỷ ban Nhân dân xây dựng và triển khai tiêm chủng đầy đủ, an toàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại 4 kế hoạch tiêm chủng vắc (Kế hoạch uống bổ sung OPV, Kế hoạch tiêm vắcxin MR, Kế hoạch đảm bảo dây chuyền lạnh cho vx, Kế hoạch tiêm vắcxin Td cho trẻ em 7 tuổi).

Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương báo cáo về Quy trình tiêm chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng, nhấn mạnh việc tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắcxin đủ liều và đúng lịch.

Theo vietnamplus.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ