Áp Tết lại lo ngộ độc... rượu

GD&TĐ - Cứ vào dịp cận Tết Nguyên đán, tình trạng ngộ độc rượu phải vào nhập viện lại xảy ra rất nhiều và không có chiều hướng thuyên giảm. Ngộ độc rượu phần lớn là do uống phải rượu kém chất lượng, rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc…  

Ngộ độc rượu có thể xảy ra với bất cứ ai trong các cuộc vui, liên hoan, nhất là vào dịp cuối năm
Ngộ độc rượu có thể xảy ra với bất cứ ai trong các cuộc vui, liên hoan, nhất là vào dịp cuối năm

90% rượu nấu không có nguồn gốc

Thời gian gần đây, các vụ ngộ độc methanol trong rượu liên tiếp xảy ra với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau khiến nhiều người đặt dấu hỏi về chất lượng rượu sản xuất trong nước, cũng như công tác quản lý ngành cồn của Việt Nam.

Theo các bác sĩ, qua xét nghiệm, kiểm tra những người bị ngộ độc rượu, tất cả các bệnh nhân đều là do trong rượu có chứa hàm lượng methanol quá nhiều và vượt quá mức cho phép.

Trên thị trường hiện nay có quá nhiều rượu kém chất lượng. Tại hầu hết các quán nhậu, quán cơm bình dân, quán nướng, ốc nóng… ở khu vực Kim Liên, Hoàng Ngọc Phách, Chùa Láng (quận Đống Đa), Phùng Hưng, Bát Đàn, Mai Hắc Đế (quận Hoàn Kiếm)… thường sử dụng các loại rượu ngâm như: Táo mèo, ba kích, ổi, nếp cái hoa vàng…

Điều đáng nói, tất cả các loại rượu này đều được đóng trong chai nhựa, không có tem, nhãn mác… Khi được hỏi về nguồn gốc các loại rượu ngâm này, tất cả các chủ quán đều trả lời: Yên tâm đi, rượu này là của người nhà tự nấu, uống không đau đầu, khát nước…

Tuy nhiên, quá trình tự ngâm, hay tự nấu của “người quen” như thế nào, có đảm bảo chất lượng hay không thì lại là vấn đề mà người uống khó có thể biết.

 Để ngăn chặn sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, rượu kém chất lượng rất cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức phát hiện và tố cáo hành vi sản xuất, tiêu thụ rượu giả, rượu kém chất lượng. Đặc biệt, người dùng cũng không nên sử dụng rượu thủ công, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mà nên sử dụng các loại rượu có tem, nhãn mác rõ ràng… 
Ông Nguyễn Tiến Vỵ khuyến cáo.

Anh Nguyễn Văn Đăng – chủ một quán nhậu trên đường Hoàng Ngọc Phách (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Mỗi ngày quán anh tiêu thụ khoảng 20 lít rượu. Tất cả số rượu trên đều được nhập của một người anh họ quê ở Hà Nam nấu.

“Hết rượu tôi chỉ cần alo là ông anh sẽ gửi xe khách ra ngay. Còn việc nấu như thế nào, men ra làm sao, tôi đâu có biết. Chỉ biết khách hàng uống đều nói không đau đầu, khát nước nên tôi lấy…”, anh Đăng cho biết.

Qua đây có thể thấy, công tác quản lý các loại rượu trôi nổi, rượu không rõ nguồn gốc trên thị trường hiện nay gần như bị bỏ ngỏ. Rất ít cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu, tự ngâm được cấp phép hoặc bị xử phạt. Trong khi đó, hầu như các quán nhậu, quán ăn hiện đều sử dụng các loại rượu không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ…

Ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch Hiệp hội rượu, bia, nước giải khát Việt Nam - cho biết, hiện có trên 95% số người sử dụng rượu thường uống rượu tự nấu và hơn 90% thích uống rượu tự nấu vì giá rẻ, hợp khẩu vị.

Rượu tự nấu đang chiếm khoảng 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước - tương đương khoảng 250 triệu lít/năm và con số này tăng từ 8 - 10% mỗi năm. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của các loại rượu này gần như không có, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.

Hiểm nguy luôn rình rập

Theo GS. TS Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, rượu pha methanol (rượu cồn công nghiệp) và rượu gạo truyền thống rất khó để phân biệt. Tuy nhiên, nếu uống phải rượu pha methanol, người uống sẽ bị tụt huyết áp, trụy mạch, hôn mê… dẫn đến tử vong.

Không ít người đã chết ngay tại bàn nhậu vì uống phải loại rượu này. Nhiều trường hợp người nhà phát hiện hôn mê, đưa đi cấp cứu tại bệnh viện thì đã rất nặng, thường để lại di chứng thần kinh, không có cơ hội phục hồi, hoặc tử vong sau đó.

“Uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng có nguy cơ bị rối loạn tâm thần. Rượu giả, rượu kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh Trung ương nhiều nhất. Chính vì vậy uống quá nhiều rượu, lạm dụng rượu bia quá mức sẽ khiến cho sự phán đoán, tính chủ động và ý thức đạo đức của người uống sẽ bị hạn chế, thậm chí không làm chủ được bản thân.

Có thể nói, việc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng rất nguy hiểm đến sức khỏe” - GS. TS Nguyễn Văn Mùi cho biết.

Còn ông Nguyễn Tiến Vỵ cho rằng, việc kiểm soát rượu không chặt chẽ không những gây nguy hiểm cho người dùng, gây thất thu cho Nhà nước, mà còn góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Các doanh nghiệp lớn nộp thuế sẽ không thể cạnh tranh về giá thành so với các loại rượu thủ công. Điều đáng lo ngại hơn là nhiều cơ sở sản xuất rượu thủ công còn làm giả tem thuế dán lên sản phẩm của mình để “qua mặt” các cơ quan quản lý Nhà nước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ