5 sự kiện sức khỏe nổi bật của Việt Nam năm 2020

GD&TĐ - Việt Nam là điểm sáng của thế giới trong kiểm soát dịch; Tiêm thử vắc xin COVID-19 của Việt Nam trên người; Kỳ tích y học ghép mô tạng người chết não... là những sự kiện sức khỏe nổi bật năm 2020.

Việt Nam là điểm sáng của thế giới trong kiểm soát đại dịch COVID-19

Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Đáng chú ý, công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân cả nước. 

Ngay từ khi dịch xâm nhập vào Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã xác định “chống dịch như chống giặc” và kiên định thực hiện phương châm “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả” nhằm “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân"; "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ" đảm bảo phát hiện kịp thời các ca bệnh, khoanh vùng, cách ly dập dịch ngay. 

Trong mọi trường hợp Việt Nam đều nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, cách ly dập dịch ngay. Ảnh minh hoạ.

Trong mọi trường hợp Việt Nam đều nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, cách ly dập dịch ngay. Ảnh minh hoạ.

Trải qua nhiều đợt dịch, Việt Nam đã ứng phó với các tình huống dịch lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là tại Đà Nẵng cuối tháng 7/2020 với chùm ca bệnh lây lan rất phức tạp trong bệnh viện rồi tỏa đi một số địa phương khác.

Hay như trường hợp chuỗi 4 ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ tiếp viên Vietnam Airlines (BN1342, phát hiện hôm 30/11), cũng nhanh chóng được khống chế, dập dịch ngay.

Cho đến nay, kết quả kiểm soát dịch của Việt Nam được thế giới ghi nhận như một điểm sáng.

Tiêm thử vắc xin COVID-19 "made in Việt Nam" trên người

Việt Nam đã thành công trong phân lập virus  SARS-CoV-2 từ tháng 2 và bắt đầu thử nghiệm vắcxin COVID-19 trên người vào ngày 17/12.

Vắcxin COVID-19 do Việt Nam sản xuất sẽ trải qua 3 giai đoạn tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người. Thử nghiệm được thực hiện theo hình thức gối đầu. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ hoàn tất cả 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, sau đó sẽ xin cấp số đăng ký để lưu hành vắc xin.

Ngày 17/12, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vắc xin COVID-19 Nano Covax đầu tiên cho 3 người tình nguyện, gồm 2 nam và 1 nữ. Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 của VIệt Nam. Ảnh: Qdnd.
Ngày 17/12, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm mũi vắc xin COVID-19 Nano Covax đầu tiên cho 3 người tình nguyện, gồm 2 nam và 1 nữ. Đây là giai đoạn 1 của chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 của VIệt Nam. Ảnh: Qdnd.

Nano covax là vắcxin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.

Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.

Theo GS Đỗ Quyết -  Giám đốc Học viện Quân y - khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 trên người.

"Chúng ta đã sản xuất test thử COVID-19 từ rất sớm và chất lượng, giờ đến vắc xin ngừa COVID-19. Chúng ta đã ngồi ngang hàng, ngồi bàn tròn được với quốc tế ở một số lĩnh vực nghiên cứu y sinh" - GS Đỗ Quyết chia sẻ.

Ca ghép tay đầu tiên trên thế giới được bác sĩ Việt thực hiện

Ngày 24/2/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép bàn tay từ người hiến sống. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng là ca ghép đầu tiên trên thế giới được nhận chi hiến từ người cho sống.

Sau 4 tháng, anh Vương hồi phục rất tốt và được cho điều trị ngoại trú. Ngày được trở về nhà điều trị ngoại trú cũng là lúc vợ anh chuẩn bị sinh con thứ 2. Ảnh: BV108.
Sau 4 tháng, anh Vương hồi phục rất tốt và được cho điều trị ngoại trú. Ngày được trở về nhà điều trị ngoại trú cũng là lúc vợ anh chuẩn bị sinh con thứ 2. Ảnh: BV108.

Theo các bác sĩ, để bàn tay có thể vận động bình thường, bệnh nhân phải mất 6-9 tháng tập luyện tích cực và nghiêm ngặt, thậm chí hàng năm. Chúng đòi hỏi sự nỗ lực của cả bệnh nhân và thầy thuốc.

Kỳ tích y học: Ghép mô tạng người chết não thành công cho 6 bệnh nhân 

Tháng 11/2020, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã thực hiện thành công ca lấy và ghép đa mô tạng từ người cho chết não để cứu 6 bệnh nhân. Đây được coi là một trong những kỳ tích y học.

Từ một người chết não hiến đa tạng, hơn 150 y, bác sĩ của bệnh viện lập 12 bàn mổ, lấy và ghép tạng cho 6 bệnh nhân. 

Đáng chú ý, trong số những trường hợp bệnh nhân được ghép mô tạng lần này, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca ghép 2 cẳng tay cho một nam bệnh nhân (18 tuổi) bị tai nạn chất nổ mất cả 2 tay.

GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BVTWQĐ 108 chia tay bệnh nhân ghép phổi được ra viện. Ảnh: SKĐS.

GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BVTWQĐ 108 chia tay bệnh nhân ghép phổi được ra viện. Ảnh: SKĐS.

Ca phẫu thuật này là ca ghép tay thứ 2 được thực hiện tại BV 108 cũng được đánh giá là ca ghép thành công 2 cẳng tay đầu tiên của Đông Nam Á. GS-TS Mai Hồng Bàng cũng chia sẻ, ngày 16/9 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện 108 đã thực hiện trên 12 bàn mổ để lấy tạng từ 1 thanh niên chết não hiến tặng rồi ghép cùng lúc cho 6 bệnh nhân khác nhau. Để thực hiện, bệnh viện đã huy động hơn 150 bác sĩ và nhân viên y tế tham gia sự kiện này.

Được biết, các bác sĩ đã ghép 2 phổi cho một bệnh nhân bị xơ phổi; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp; 2 thận được ghép cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Đến thời điểm hiện tại, những bệnh nhân nhận tạng đều có sức khỏe ổn định.

Còn trường hợp đặc biệt, 2 cẳng bàn tay được ghép cho một bệnh nhân bị cụt cả hai cẳng tay do tai nạn chất nổ.

Thành công ca tách dính hai bé song sinh Trúc Nhi-Diệu Nhi

Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ca tách dính hai bé song sinh Trúc Nhi-Diệu Nhi, giúp hai bé có thể độc lập đi trên đôi chân của mình. Vào khoảng 14 giờ 7 phút chiều 15/7/2020, các bác sĩ đã tách rời thành công hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi.

Toàn bộ gần 100 nhân viên bao gồm hơn 60 y, bác sĩ điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tham gia vào cuộc phẫu thuật. Ảnh: BVCC.
Toàn bộ gần 100 nhân viên bao gồm hơn 60 y, bác sĩ điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tham gia vào cuộc phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện cũng đã phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi đồng 1, 2; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết với mục tiêu mang lại cuộc sống riêng hoàn thiện cho hai bé.

Hai chị em Trúc Nhi và Diệu Nhi khoẻ mạnh, tươi vui được ba mẹ đón về sáng 7/10/2020, 85 ngày sau phẫu thuật tách rời và 16 tháng sống tại bệnh viện. Ảnh: Thư Anh.
Hai chị em Trúc Nhi và Diệu Nhi khoẻ mạnh, tươi vui được ba mẹ đón về sáng 7/10/2020, 85 ngày sau phẫu thuật tách rời và 16 tháng sống tại bệnh viện. Ảnh: Thư Anh.

Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khẳng định quá trình hồi phục của Trúc Nhi và Diệu Nhi gần như hoàn hảo. Các bé đi tiểu bình thường, tiêu hóa ổn định. Bé đạt đúng quỹ đạo phát triển như một trẻ bình thường, cả về thể chất và tinh thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ