Những điều cần nhớ khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19

GD&TĐ - Khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bạn nhớ đeo khẩu trang, lưu giữ giấy xác nhận đã tiêm, cập nhập trên sổ sức khỏe điện tử...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để phòng ngừa dịch bệnh, ngoài thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ y tế thì tiêm vắc xin giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm mức độ nặng khi mắc bệnh, càng nhiều người được tiêm ngừa chúng ta càng có thể kết thúc đại dịch Covid-19 nhanh hơn nữa.

Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong.

Cũng giống như các loại vắc xin giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vắc xin Covid-19 giúp cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi rút gây bệnh Covid-19.

Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2, các loại vắc xin phòng Covid-19 sẽ giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong.

Vì vậy, tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp hữu hiệu giúp cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc Covid-19 cần xét nghiệm để đảm bảo không bị nhiễm virus. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho y tế và không đến điểm tiêm chủng.

Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cũng cần thông báo đầy đủ cho y bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào, đặc biệt là dị ứng với liều tiêm vắc-xin Covid trước đó.

Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định của buổi tiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút..

Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất 2 ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm). Nếu có sốt, theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời, lưu giữ cẩn thận phiếu xác nhận tiêm chủng và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo.

Khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bạn cần nhớ những điều như đeo khẩu trang, lưu giữ giấy xác nhận đã tiêm, cập nhập trên sổ sức khỏe điện tử... Ảnh: Bộ Y tế.

Khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bạn cần nhớ những điều như đeo khẩu trang, lưu giữ giấy xác nhận đã tiêm, cập nhập trên sổ sức khỏe điện tử... Ảnh: Bộ Y tế.

Khuyến cáo:

Để đảm bảo hiệu quả tối đa của vắc xin, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% - 85% để có miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời sau khi tiêm chủng vắc xin vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (thông điệp 5K) để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch Covid-19.

Tiêm vắc xin Covid-19 là quyền lợi của cá nhân, là trách nhiệm với cộng đồng, khi đến lượt bạn hãy đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin và theo dõi sức khoẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.