Sức hút học tiếng Nhật

GD&TĐ - Nhu cầu về nguồn lực tiếng Nhật tại miền Trung những năm gần đây tăng lên, kéo theo đó, nhu cầu học tiếng Nhật tăng cao.

Sức hút học tiếng Nhật

Ngoài các trung tâm đào tạo Nhật ngữ, các trường nằm trong đề án triển khai dạy tiếng Nhật tăng cường, một số địa phương đã chủ động liên kết, đưa tiếng Nhật vào giảng dạy với tư cách là ngoại ngữ 2 ngay từ bậc Tiểu học.

“Tự phát”

Từ 3 năm nay, trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đưa tiếng Nhật vào giảng dạy tại trường như là một ngoại ngữ thứ hahi.

Năm học 2016 – 2017 này, chương trình thí điểm dạy tiếng Nhật ở bậc TCHS mở rộng thêm 2 trường, gồm trường THCS Ngô Thì Nhậm và THCS Nguyễn Lương Bằng.

Riêng ở bậc Tiểu học, có 4 trường triển khai dạy thí điểm cho HS lớp 5, trong đó, trường trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên và Tiểu học Phan Phu Tiên, mỗi trường có 3 lớp, trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi và trường Tiểu học Võ Thị Sáu mỗi trường có 2 lớp.

Việc tổ chức xét chọn HS lớp 5 học tiếng Nhật tại các trường Tiểu học căn cứ vào nguyện vọng của cha mẹ HS trong cuộc họp đầu năm học.  

Bà Lữ Thị Kim Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu - cho biết: “Mặc dù không nằm trong các trường triển khai đề án dạy – học thí điểm tiếng Nhật của Bộ GD&ĐT triển khai tại Đà Nẵng nhưng xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh nên Phòng GD&ĐT mạnh dạn đưa tiếng Nhật vào giảng dạy như là ngoại ngữ thứ 2.

Địa bàn Liên Chiểu là nơi có khu công nghiệp tập trung với rất nhiều công ty do Nhật Bản đầu tư. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh có nhu cầu cho con theo học tiếng Nhật rất cao. Như năm nay, trường THCS Lương Thế Vinh chỉ tuyển 89 HS cho 2 lớp tiếng Nhật nhưng có đến 200 hồ sơ đăng ký theo học”.

Phòng học của các lớp tiếng Nhật được các trường bố trí theo lớp học chính khóa, có trang bị các thiết bị nghe nhìn, đồ dùng dạy học, vi ti, máy vi tính để phục vụ tốt cho công tác dạy học.

Theo như nhận xét của cô Lê Thị Minh Nguyệt (GV tiếng Nhật trường THCS Lương Thế Vinh) thì HS rất hứng thú với giờ học tiếng Nhật: “Giờ học tiếng Nhật, ngoài giáo viên người Việt thì đều có một giáo viên bản ngữ hỗ trợ trong phần thực hành, luyện nói, tổ chức chơi các trò chơi nên HS cảm thấy tiết học rất nhẹ nhàng, không quá áp lực”.

Một giờ học tiếng Nhật với sự hỗ trợ của giáo viên bản ngữ tại trường THCS Lương Thế Vinh (Liên Chiểu – TP Đà Nẵng)
Một giờ học tiếng Nhật với sự hỗ trợ của giáo viên bản ngữ tại trường THCS Lương Thế Vinh (Liên Chiểu – TP Đà Nẵng)

Mong được tiếp nối lên bậc học cao hơn

Do được tuyển chọn đầu vào nên khả năng học của HS các lớp tiếng Nhật luôn cao hơn mặt bằng chung của các trường có thí điểm là điều dễ hiểu.

Ngoài những hỗ trợ của Công ty cổ phần ONEDANA, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu còn hỗ trợ thêm kinh phí để các trường mua sắm thêm thiết bị đồ dùng dạy học, phục vụ tốt hơn công tác dạy – học.

Trong Ngày hội giao lưu ngôn ngữ mới đây do Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức, HS tiếng Nhật của quận Liên Chiểu đạt giải Nhì cấp thành phố. 

Cô giáo Lê Thị Minh Nguyệt cho biết: “Hiện môn tiếng Nhật đang giảng dạy tại các trường Tiểu học và THCS là ngoại ngữ 2 nên khi sử dụng sách giáo khoa áp dụng cho Ngoại ngữ 1, giáo viên phải thống nhất xây dựng lại phân phối chương trình theo thời lượng 2 tiết/ tuần.

Chính vì vậy, tiến độ dạy và học của lớp đều chậm hơn so với phân phối chương trình của sách giáo khoa. Ngoài ra, vì thời lượng ít nên không có nhiều thời gian cho giáo viên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa cho HS”.

Tuy nhiên, vướng mắc hơn cả, theo bà Lữ Thị Kim Hoa – Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu là vẫn chưa kết nối được với đề án thí điểm dạy tiếng Nhật của thành phố để đảm bảo tính liên thông của chương trình.

Hiện Đà Nẵng có 2 trường THCS Lê Lợi và THCS Tây Sơn đang thực hiện chương trình thí điểm dạy tiếng Nhật. Theo đó, những HS theo học lớp tiếng Nhật tại hai trường này sẽ được ưu tiên tuyển thẳng vào trường THPT Phan Châu Trinh và Hoàng Hoa Thám.

“Đến nay, lớp HS theo học thí điểm tiếng Nhật đầu tiên của trường THCS Lương Thế Vinh đã lên đến lớp 8. Nếu sang năm, các em thi đỗ vào lớp 10 trường THPT Phan Châu Trinh thì cũng không nằm trong diện được bố trí vào học lớp tiếng Nhật vì không thuộc đề án của thành phố.

Chưa kể là HS tiếng Nhật của Liên Chiểu cũng không được ưu tiên tuyển thẳng vào THPT, việc không được học tiếp tiếng Nhật là một thiệt thòi của các em rồi”.

Chính vì vậy, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu cũng như UBND quận đang đề nghị Sở GD&ĐT mở rộng thêm trường THPT nằm trên địa bàn quận triển khai dạy tiếng Nhật như cách mà trường THPT Phan Châu Trinh và THPT Hoàng Hoa Thám đang thực hiện.

Hoặc có thể để Đề án Dạy và học tiếng Nhật các cấp học quận Liên Chiểu giai đoạn 2016 – 2020 được khớp nối với chương trình thí điểm dạy tiếng Nhật của Sở GD&ĐT Đà Nẵng để tạo tính liên tục cho người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ