Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình phù hợp, công khai

GD&TĐ - Mô hình thuế hỗn hợp là mô hình kết hợp giữa thuế tương đối và thuế tuyệt đối, đang ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng.

Chính sách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi sang phương pháp hỗn hợp có ảnh hưởng tới ngành bia?
Chính sách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi sang phương pháp hỗn hợp có ảnh hưởng tới ngành bia?

Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần áp dụng mô hình này.

Ngành bia gặp trở ngại?

Thực hiện Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đang tiến hành sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm giải quyết những bất cập phát sinh; khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường và hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe.

Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, việc xây dựng Luật Thuế TTĐB được đưa ra sửa đổi theo hướng xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) với rượu, bia, thay vì phương pháp tương đối đang áp dụng hiện hành.

Hiện nay, thị trường bia cơ bản phân thành hai loại. Một, bia phân khúc phổ thông giá thấp, chủ yếu là các loại bia thương hiệu quen thuộc như: Hà Nội, Sài Gòn và bia địa phương như: Vida, Hạ Long, Hương Sơn, Đại Việt… Theo thống kê, khoảng 80% thị phần tiêu thụ hiện là các loại bia phổ thông và bia địa phương do phù hợp với mức thu nhập của người dân.

Hai, bia phân khúc trên phổ thông với mức giá cao, chủ yếu là các loại bia có thương hiệu trên thế giới được nhập khẩu vào Việt Nam hoặc do các doanh nghiệp FDI sản xuất.

Theo phân tích của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), do mức thuế tuyệt đối được áp dụng như nhau trên một đơn vị sản phẩm tiêu thụ, dù giá sản phẩm chênh lệch giữa các hãng nên doanh nghiệp sản xuất bia cao cấp và cận cao cấp, doanh nghiệp đầu ngành thống lĩnh thị trường có thể hưởng lợi từ cơ chế này.

Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất bia vừa và nhỏ, đa phần là các doanh nghiệp Việt ít lợi thế cạnh tranh hơn, sẽ gặp khó khăn lớn nếu chính sách tính thuế TTĐB thay đổi sang phương pháp hỗn hợp.

Đại diện VAFI cũng cho rằng, phương pháp tính thuế hỗn hợp không phù hợp với Luật Cạnh tranh 2018 và không nên đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB. Bên cạnh đó, việc áp dụng tăng thuế TTĐB nên theo lộ trình, dựa trên tình hình kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp và cần đảm bảo tính công bằng cho mọi doanh nghiệp.

Góp ý về phương pháp tính thuế, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, nên tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế tương đối với rượu, bia và nghiên cứu điều chỉnh thuế suất theo lộ trình.

Theo đại diện công ty, thuế tương đối có tính chất lũy tiến, sản phẩm có giá bán càng cao, số thuế TTĐB phải nộp càng lớn. Về khía cạnh điều tiết thị trường, khi tính thuế theo tỷ lệ phần trăm thuế trên giá bán sẽ tạo ra sự công bằng tương đối cho các phân khúc hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, vì người mua sẵn sàng trả mức giá nào cũng sẵn sàng trả mức thuế tương ứng.

Dù vậy, mặt hạn chế là việc tính thuế căn cứ vào giá bán nên có thể gia tăng chi phí quản lý của Nhà nước vì phải kiểm soát giá cả và cũng khó dự đoán nguồn thu ngân sách.

Định hướng sản xuất, tiêu dùng xã hội

Bà Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu ngành và lĩnh vực (CIEM).

Bà Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu ngành và lĩnh vực (CIEM).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách thuế TTĐB còn một số hạn chế như: Đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện. Cùng với đó, thuế suất thuế với một số mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe và xã hội chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng…

Tại Tọa đàm “Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi)” các diễn giả khẳng định, từ năm 2008 đến nay, Luật Thuế TTĐB qua 4 lần được sửa đổi, bổ sung đã đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội.

“Dù còn một số hạn chế nhất định, song có thể nói Luật Thuế TTĐB không chỉ đóng góp cho nguồn thu cho NSNN, mà còn là công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội”, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình thuế hỗn hợp, tức là kết hợp giữa thuế tương đối và thuế tuyệt đối, ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Năm 2008 chỉ có 55 quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đã tăng lên 62 quốc gia vào năm 2018. Trong ASEAN, có Thái Lan, Malaysia và Philippines đã triển khai mô hình thuế hỗn hợp với một số danh mục đồ uống có cồn.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu về hiệu quả của thuế hỗn hợp, bà Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu ngành và lĩnh vực (CIEM) cho biết, áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp sẽ khiến giá sản phẩm rượu ở phân khúc cao cấp rẻ hơn tương đối so với chính nó nếu áp thuế tương đối.

“Không phải ngẫu nhiên các nước phát triển áp dụng mô hình thuế hỗn hợp. Chúng tôi đã có một số nghiên cứu về vấn đề này và kết quả nghiên cứu cho thấy đã đến lúc Việt Nam áp dụng thuế hỗn hợp với đồ uống có cồn thay cho thuế tương đối hiện nay. Vấn đề quan trọng là điều kiện và cách thức triển khai cụ thể như thế nào.

Như vậy, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhóm sản phẩm đồ uống có cồn với chất lượng tốt hơn, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm… và do đó tăng thêm nguồn thu NSNN từ khu vực đồ uống có cồn chính thức…”, Trưởng ban Nghiên cứu ngành và lĩnh vực (CIEM) bày tỏ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đột phá bất thành ở Kursk

Đột phá bất thành ở Kursk

GD&TĐ - Lực lượng Ukraine tiếp tục cố gắng đột phá ở quận Glushkovsky thuộc vùng Kursk, đưa xe tăng Đức Leopard 2 vào trận chiến nhưng đã bị Nga đánh bại.

Hãy kiểm tra xem có mùi bốc lên từ khu vực bồn rửa hay không. (Ảnh: ITN).

Mẹo hay khử sạch mùi nhà bếp

GD&TĐ - Bạn đang đau đầu vì những mùi hôi khó chịu trong căn bếp? Hãy khử mùi bằng những cách đơn giản dưới đây để bếp luôn thơm tho thé!