Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa: Bài học từ thực tế

GD&TĐ - Triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) đã có những kết quả từ thực tiễn.

Học sinh tham quan triển lãm sách giáo khoa Việt Nam và các nước. Ảnh minh họa: INT
Học sinh tham quan triển lãm sách giáo khoa Việt Nam và các nước. Ảnh minh họa: INT

Từ kết quả đạt được, cũng như những vấn đề còn hạn chế, các bên liên quan tham gia góp ý kiến để triển khai hiệu quả hơn chủ trương này trong thời gian tới.

Bước đột phá

Nhận định của ông Nguyễn Bá Cường - Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK được triển khai trong khuôn khổ Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là bước đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Đây không chỉ là cơ hội để nâng cao chất lượng SGK, mà còn thể hiện sự đổi mới tư duy trong huy động nguồn lực xã hội để phục vụ giáo dục.

Theo ông Nguyễn Bá Cường, từ thực tiễn triển khai chủ trương xã hội hóa đã cho thấy tính chuyên nghiệp trong quy trình biên soạn SGK được nâng cao, sự tham gia của nhiều bên liên quan giúp quy trình biên soạn trở nên khoa học, chuẩn hóa và đảm bảo tính chuyên nghiệp; huy động được nguồn lực xã hội tham gia thực hiện. Xã hội hóa giúp thu hút các nguồn lực về con người, tài chính và chuyên môn, làm phong phú thêm nguồn lực cho giáo dục. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị biên soạn, xuất bản SGK góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng kỳ vọng của người dạy và người học.

Sau một giai đoạn triển khai, thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) nhận định xã hội hóa biên soạn SGK mang lại hiệu quả rõ rệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018; huy động được nguồn lực, trí tuệ xã hội lớn cùng tham gia biên soạn sách. Việc này cũng tạo môi trường cạnh tranh để học sinh, giáo viên có được những bộ SGK tốt nhất. Trên thực tế, cả 3 bộ sách đang được sử dụng đều có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Có con học lớp 10 Trường PTLC Phenikaa, chị Lê Thị Thanh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận thấy những lợi ích con được thụ hưởng từ “một chương trình, nhiều bộ SGK”. “Tôi thấy rằng, Chương trình GDPT 2018 là bước tiến quan trọng trong việc đổi mới nội dung giảng dạy, phương pháp dạy - học.

Việc cùng tồn tại nhiều bộ SGK giúp đa dạng các nội dung dạy học, trong đó có sự linh hoạt nội dung giáo dục phù hợp với vùng miền; tăng tính cạnh tranh giữa các nhà xuất bản để có bộ sách chất lượng cao. Nhiều bộ sách đồng nghĩa có nguồn tư liệu phong phú cho giáo viên tham khảo giảng dạy theo hướng sáng tạo hơn, phát huy tư duy học tập theo hướng mở cho học sinh”, chị Lê Thị Thanh Ngọc đánh giá.

bai-hoc-tu-thuc-tien2.jpg
Giáo viên Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) tham khảo sách giáo khoa mới cho năm học 2024 - 2025. Ảnh minh họa: INT

Tạo hành lang pháp lý để huy động đa dạng nguồn lực

Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song trong quá trình thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo Chương trình GDPT 2018 không tránh khỏi những vướng mắc. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, đồng thời khắc phục các khó khăn, đại diện Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đề xuất tiếp tục tăng cường tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của đổi mới chương trình, SGK và ý nghĩa, vai trò của chủ trương xã hội hóa biên soạn, xuất bản SGK. Đồng thời, tiếp tục phát triển chương trình; sửa đổi các văn bản hướng dẫn biên soạn SGK; hướng dẫn rà soát hoàn thiện hơn các SGK nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách điều hành hợp lý hơn nhằm động viên và đảm bảo quyền lợi, công bằng cho các cá nhân và tổ chức tham gia xã hội hóa biên soạn SGK (trong bối cảnh lợi thế cạnh tranh giữa doanh nghiệp công lập và tư nhân là khác nhau). Các quy định liên quan đến in ấn, phát hành SGK cần được đơn giản rõ ràng, sát thực tế; tạo hành lang pháp lý để huy động đa dạng nguồn lực tham gia tạo đà cho sự phát triển.

Là phụ huynh, đồng thời người công tác trong ngành Giáo dục, chị Lê Thị Thanh Ngọc cho rằng, cần tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, giáo viên giỏi tham gia vào quá trình biên soạn SGK, đảm bảo tính đa dạng và chất lượng cao của các bộ sách. Cần đẩy mạnh phát triển học liệu mở, tài liệu số hóa để hỗ trợ giáo viên và học sinh. Đây là xu hướng phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, giúp giảm phụ thuộc vào sách in. Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu cho giáo viên về cách sử dụng và tham khảo các bộ SGK một cách hiệu quả, tránh tình trạng dạy học máy móc hoặc lệ thuộc vào một tài liệu cố định. Cùng đó, có chính sách hỗ trợ các gia đình khó khăn, như chương trình mượn SGK, SGK điện tử miễn phí, hoặc khuyến khích sử dụng SGK tái chế.

Đưa nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn SGK, trong báo cáo đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn SGK giai đoạn 2018 - 2024, Bộ GD&ĐT cho biết tiếp tục rà soát và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho việc xã hội hóa biên soạn SGK, ban hành quy định về giá tối đa của SGK theo quy định của Luật Giá. Xây dựng, đề xuất Chính phủ và Quốc hội để có cơ chế in ấn, phát hành SGK tiếng dân tộc, sách ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh được biên soạn bằng ngân sách Nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo việc xuất bản SGK chữ nổi và SGK điện tử.

Bên cạnh tập trung chỉ đạo sử dụng hiệu quả SGK trong dạy học, ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông, chỉ đạo việc chỉnh sửa SGK (khi cần thiết), bảo đảm chống lãng phí, SGK được sử dụng lâu dài, tổ chức thẩm định SGK sau chỉnh sửa, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường chỉ đạo việc tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, hội thảo chuyên môn về chương trình, SGK để giáo viên nâng cao năng lực triển khai chương trình, SGK, cập nhật thông tin mới.

Cùng đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng SGK, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thanh/kiểm tra và bao phủ các nội dung về xã hội hóa biên soạn SGK; tăng cường xử lý nghiêm những sai phạm trong việc lựa chọn SGK, quy trình lựa chọn SGK. Chỉ đạo thanh tra sở GD&ĐT có kế hoạch tập trung tăng cường thời lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các nội dung về lựa chọn SGK.

Hiện nay, môn học có ít nhất là 1 SGK (Mỹ thuật lớp 10, 11, 12); môn học có nhiều nhất là 10 SGK (Tiếng Anh tiểu học). Các bộ SGK đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tổ chức giảng dạy khác nhau giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.