Sữa chua sấy bổ sung tinh chất sâm

GD&TĐ - Nhóm SV Trường ĐH Quốc tế nghiên cứu chiết xuất sâm cau đỏ và tạo sản phẩm sữa chua sấy CUROGAE bổ sung tinh chất từ sâm đầu tiên ở Việt Nam.

Sản phẩm sữa chua sấy bổ sung tinh chất sâm của nhóm sinh viên.
Sản phẩm sữa chua sấy bổ sung tinh chất sâm của nhóm sinh viên.

Món ăn vặt tốt cho sức khỏe

Nhằm nâng cao giá trị thương mại cho cây sâm cau đỏ trong nước, nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) đã nghiên cứu chiết xuất loại sâm này và tạo ra sản phẩm sữa chua sấy bổ sung tinh chất sâm đầu tiên ở Việt Nam.

Các sản phẩm sâm cau đỏ trên thị trường hiện nay chỉ có sâm tươi, rượu sâm, sâm cau đỏ cắt lát sấy khô mà chưa có sản phẩm chiết xuất từ cây này một cách tiện dụng. Nhóm sinh viên đã nghĩ cách nghiên cứu và gia tăng giá trị cho sản phẩm này thành một món ăn vặt bổ dưỡng, không béo, tốt cho sức khỏe là sữa chua bổ sung tinh chất sâm.

Sinh viên Phùng Thị Bích Hằng, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết hướng phát triển của nhóm là tạo ra bữa ăn xế lành mạnh cho nhân viên văn phòng, người cao tuổi, người có thể trạng yếu...

Trước khi thực hiện nghiên cứu này, nhóm có tìm hiểu về bảo quản sau thu hoạch sâm Ngọc Linh xuất khẩu. Quá trình thực hiện nghiên cứu này, Hằng chiết xuất sâm cau đỏ và nhận thấy thành phẩm chiết xuất sâm cau đỏ là dạng bột màu trắng, có thể tan trong nước và có mùi sâm nhẹ nhàng chứ không quá nồng.

Hằng và các bạn nghĩ đến việc kết hợp chiết xuất này với một món ăn phổ thông để nhiều người có thể tiếp cận được.

Sản phẩm sữa chua Curogae bổ sung chiết xuất từ sâm nhưng không bị nồng mùi sâm. Sản phẩm chứa các chất chống oxy hóa từ sâm cau đỏ như saponin, polyphenol, các hợp chất, đồng thời bổ sung protein, canxi hòa tan và lợi khuẩn hỗ trợ đường tiêu hóa.

Cây sâm cau là loài cây thân thảo, sống nhiều năm, có chiều cao từ 20 - 30cm hoặc cao hơn. Trên thế giới, sâm cau có nhiều ở phía Nam Trung Quốc, Lào và một số nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây phân bố nhiều ở miền Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng...) và một số nơi có đồi núi ở Lâm Đồng.

Nguồn nguyên liệu sâm cau đỏ hiện nay khá phong phú. Ở Hà Giang, sâm cau đỏ được trồng quy hoạch theo vùng, được thu mua để chế biến thành thực phẩm chức năng là chính. Sản phẩm có giá thành khoảng 120 - 150 ngàn đồng/kg.

Sẽ ứng dụng vào nước uống, bánh quy

Sản phẩm đặc biệt phù hợp với những người bị dị ứng cồn hoặc mật ong, mở ra thị trường tiềm năng của sản phẩm tự nhiên đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Quy trình sản xuất không quá phức tạp, sản phẩm ngon miệng, giàu dưỡng chất là những tiềm năng để phát triển ra thị trường trong tương lai không xa.

Nhóm sinh viên cho biết, sản phẩm có thể ứng dụng vào nước uống hay các loại bánh quy, do sâm cau có tác dụng tăng cường miễn dịch, nâng cao khả năng thích nghi của cơ thể, chống oxy hóa.

Nhược điểm của sâm cau là nếu dùng liều cao và kéo dài sẽ không tốt cho sức khỏe. Nhóm sinh viên đã nghiên cứu và đưa ra khuyến cáo liều dùng cụ thể cho từng người sử dụng. Người từ 25 đến dưới 45kg liều dùng tối đa là 1 gói 5g/ngày, người trên 40 đến dưới 60 tuổi là 2 gói 5g/ngày và người trên 60 tuổi là 3 gói 5g/ngày.

Sinh viên Trần Thu Hiền, thành viên của nhóm, cho biết dự định trong tương lai của nhóm là ứng dụng tinh chất sâm vào sữa chua sấy, rau củ sấy khô hoặc trái cây sấy khô hoặc kết hợp sữa chua sấy với các loại hạt dinh dưỡng. Nhóm sẽ sử dụng sâm cau sấy để làm trà tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi.

“Nhóm hướng đến ứng dụng tinh chất sâm cau cho bánh quy hoặc socola vì chúng em nhận thấy khi kết hợp với tinh chất sâm thì bánh quy và socola cho hương vị rất thơm ngon”, Trần Thu Hiền nói.

ThS Lê Nguyễn Thùy Vân, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ - Trường Đại học Quốc tế cho biết, nghiên cứu này có rất nhiều tiềm năng ứng dụng trên thực tế do tiện lợi, bổ dưỡng, giá thành hợp lý.

Sản phẩm vừa kết thúc quá trình ươm tạo tại trường, trong tương lai sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hiện trên thị trường chưa có sản phẩm sữa chua hay sữa chua sấy nào bổ sung chiết xuất từ sâm, do vậy việc ứng dụng vào sản phẩm quen thuộc như sữa chua giúp người dùng tiếp cận tốt hơn với dược liệu quý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.