Sữa bột nghi nhiễm khuẩn: Khuyến cáo từ cơ quan quản lý

Sữa bột nghi nhiễm khuẩn: Khuyến cáo từ cơ quan quản lý

(GD&TĐ) - Đối với những trường hợp đã sử dụng các sản phẩm sữa thuộc lô bị thu hồi, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo các bậc cha, mẹ ngừng ngay việc sử dụng, chủ động theo dõi tình hình sức khỏe con em, đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe.

Tiếp tục cập nhật thông tin

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, liên quan đến các sản phẩm có chứa whey protein concentrate do Công ty Fonterra-New Zealand sản xuất bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum (loại vi khuẩn độc gây liệt cơ dễ lây qua đường tiêu hóa), Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand đã cập nhật thêm các nội dung cảnh báo quan trọng.

Thông tin cảnh báo nêu rõ, người tiêu dùng không sử dụng 2 sản phẩm nhãn hiệu Karicare do Công ty Nutricia New Zealand sản xuất, không phân biệt số lô sản xuất.

Cụ thể là sản phẩm Karicare Formula số 1 (Karicare Infant Formula Stage 1) cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (Karicare Gold+ Stage 2 Follow on Formula) cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi. Hiện một số quốc gia đã tạm thời cấm tất cả các sản phẩm sữa từ New Zealand.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết, ngay sau khi có các thông tin về những lô sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ có chứa whey protein concentrate nghi ngờ bị nhiễm Clostridium botulinum, Cục đã tiến hành rà soát toàn bộ các sản phẩm nhãn hiệu Karicare của Công ty Nutricia, New Zealand đã công bố tại Cục từ năm 2012 đến nay và liên hệ với các công ty có công bố sản phẩm tại Cục.

Theo báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Đại Dương, tính từ năm 2012 đến nay, chỉ nhập 2 sản phẩm: Karicare Gold Toddler (dành cho trẻ trên 12 tháng tuổi) và Karicare Gold Junior (dành cho trẻ trên 24 tháng tuổi). Hai sản phẩm này không thuộc đối tượng bị New Zealand cảnh báo và thu hồi.

Báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dinh dưỡng châu Úc cho thấy, Công ty này đã công bố 2 sản phẩm tại Cục từ năm 2011 là Karicare Aptamil Gold Toddler (dành cho trẻ trên 12 tháng tuổi) và Karicare Aptamil Gold Junior (dành cho trẻ trên 24 tháng tuổi) nhưng Công ty không nhập một lô sản phẩm nào về Việt Nam.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, không có sản phẩm nhãn hiệu Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào được công bố tại Cục An toàn thực phẩm. Cơ quan này khẳng định sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của New Zealand.

Đã phải chịu giá cao, người tiêu dùng trong nước lại thêm hoang mang về chất lượng sữa trên thị trường
Đã phải chịu giá cao, người tiêu dùng trong nước lại thêm hoang mang về chất lượng sữa trên thị trường
 

Lo ngại từ các sản phẩm xách tay, nhập lậu

Liên quan đến vụ việc sữa bột nghi bị nhiễm khuẩn được nhập khẩu nguyên liệu của hãng Fonterra (New Zealand) vào Việt Nam và bày bán trên thị trường, tại buổi họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Công Thương, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả các mặt hàng sữa, đồng thời sẽ xử lý các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

“Điều quan trọng là phải kiểm tra tính hợp pháp của các sản phẩm nhập khẩu đó như thế nào. Ngoài những sản phẩm nhập khẩu chính ngạch, được kiểm tra chất lượng còn không ít các sản phẩm xách tay, nhập lậu chưa được các cơ quan chức năng trong nước kiểm tra, kiểm nghiệm", ông Lam nêu khó khăn trong  công tác quản lý mặt hàng này.

Còn theo báo cáo công bố của Bộ Công Thương cũng tại buổi họp báo, ngành sữa hiện vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức cao do nhu cầu về các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam liên tục tăng qua các năm khoảng từ 7 - 8%. Tuy nhiên, hiện tại, lượng cung sữa tươi nội địa chỉ có thể đáp ứng khoảng gần 30% nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, 70% còn lại vẫn là sữa bột và phần lớn được nhập khẩu từ New Zealand, Mỹ, Hà Lan. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty sữa Ba Vì, sữa Cô Gái Hà Lan... đã phải tăng cường đầu tư để phát triển nguồn sữa tươi vì cầu phân khúc sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh.

Đáng chú ý, trong khi giá sữa bột trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì các doanh nghiệp sữa hàng đầu trong nước vẫn tiến hành nâng giá thành phẩm nên được hưởng lợi khi giảm được chi phí đầu vào, trong khi chất lượng thì hoàn toàn do nhà sản xuất công bố chứ không có kiểm chứng cụ thể nào từ cơ quan chức năng.

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ