Không giống như phần còn lại của thế giới động vật, con người không nhận ra nhau bằng mùi, theo báo cáo mới của các chuyên gia thuộc Đại học California tại Berkeley (Mỹ) khi nghiên cứu cách thức cơ thể con người phát triển theo chiều tiến hóa.
Nhóm khoa học gia đã phân tích sự biến thiên trên khuôn mặt người nhờ cơ sở dữ liệu về số đo cơ thể của lục quân Mỹ, thu thập vào năm 1988.
Họ đã tiến hành so sánh các đường nét trên mặt của người Mỹ gốc châu Âu và gốc Phi, như khoảng cách giữa trán - cằm, chiều cao của tai, chiều rộng của mũi và khoảng cách giữa hai đồng tử, cùng các đặc điểm khác trên cơ thể như chiều dài tay, chiều cao tính tới eo.
Kết quả cho thấy những đặc điểm trên khuôn mặt rất khác so với phần còn lại của cơ thể. Và điểm đa dạng nhất thuộc về khu vực tam giác giữa mắt, mũi, miệng.
Đội ngũ nghiên cứu cũng truy cập vào kho dữ liệu của dự án Gien 1000, tập hợp hơn 1.000 bộ gien di truyền của người kể từ năm 2008 và liệt kê gần 40 triệu biến đổi gien của các đối tượng trên toàn thế giới.
Các chuyên gia tự hỏi liệu khoảng cách giữa mắt hoặc độ rộng của mũi khác nhau một cách tình cờ, hay đây là kết quả của quá trình chọn lọc tiến hóa. Họ phát hiện những người có tay dài thường đi chung với chân dài, trong khi người có mắt nằm cách xa nhau thì mũi không hề dài hơn bình thường.
Từ đó, các chuyên gia kết luận rằng sự biến thiên trên khuôn mặt được củng cố thông qua quá trình tiến hóa, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Communications.
Nhà sinh thái học về hành vi Michael Sheehan, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay nhiều loài vật sử dụng mùi tỏa ra từ cơ thể hoặc âm thanh để xác định lẫn nhau, trong khi phớt lờ các điểm đặc trưng trên mặt của đối tượng, và trường hợp này đặc biệt đúng ở những loài sống về đêm.
Tuy nhiên, con người hoàn toàn khác biệt. “Con người thật sự giỏi về khoản nhận dạng khuôn mặt; vì có hẳn một phần của não chịu trách nhiệm về việc này.
Giờ đây nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhân loại đã được lựa chọn để trở thành duy nhất và dễ dàng được người trước mặt nhận ra”, theo chuyên gia Sheehan. Trong khi đó, một chuyên gia khác là Michael Nachman cho hay sự biến thiên về gien có khuynh hướng bị hủy bỏ trong quá trình chọn lọc tự nhiên nếu cần thiết cho sinh tồn.
Tuy nhiên, ở trường hợp con người, quá trình tiến hóa được phát triển theo hướng duy trì những sự khác biệt này để con người có thể nhận dạng lẫn nhau.
Hai nhà khoa học cũng so sánh bộ gien di truyền ở người với các bộ gien vừa được giải mã của các chi người khác đã tuyệt chủng như Neanderthal và Denisovan.
Dựa trên thông tin thu được, dường như sự đa dạng tương tự ở gien cũng xuất hiện ở những chi người này, cho thấy sự khác biệt về khuôn mặt ở người hiện đại ắt hẳn đã bắt đầu từ trước khi các chi người tách ra.
“Rõ ràng chúng ta nhận ra nhau thông qua nhiều dấu hiệu, chẳng hạn như chiều cao cơ thể và dáng đi, nhưng phát hiện mới của chúng tôi cho rằng khuôn mặt là phương thức vượt trội nhất trong việc nhận ra các đối tượng khác nhau”, Sheehan kết luận.