Theo Ancient Origins, vua Casimir sinh ngày 30/11/1427, là con thứ ba và con trai út của vua Władysław II Jagiełło và người vợ thứ tư, Sophia xứ Halshany tức Belarus ngày nay.
Ông được phong là Đại Công tước của Litva năm 1440 và vua Ba Lan từ năm 1447 cho đến khi mất.
Casimir rất nổi tiếng trong lịch sử khi trở thành một trong những nhà lãnh đạo và hoạt động chính trị thành công nhất của Ba Lan.
Trong thời gian ông trị vì, Ba Lan đã đánh bại Giáo binh đoàn Teuton sau 13 năm (1454 - 1466) và sáp nhập nước Phổ vào lãnh địa Ba Lan.
Sau chiến tranh, Casimir phục hồi lại Pomerania và các thành phố quan trọng gần phía Nam bờ biển Baltic - Gdańsk.
Vua Casimir (phải) được chôn trong quan tài gỗ đơn giản. Ảnh: Wikipedia.
Nhờ những hành động này, vua Casimir được xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất thời kỳ đó, đưa triều đại Jagiellon trở thành hoàng gia hàng đầu châu Âu.
Dưới sự cai trị của Casimir, Ba Lan trở thành quốc gia giàu có ở châu Âu.
Casimir mất ngày 7/6/1492 ở tuổi 65 trong một lâu đài tại thành phố Grodno. Đám tang diễn ra tại lâu đài Wawel ở Kraków miền Nam Ba Lan.
Ông được chôn cất trong một chiếc quan tài bằng gỗ đơn giản và phủ vải liệm xa xỉ. Do quá trình phân hủy diễn ra quá nhanh, những người chôn cất quyết định rắc muối canxi lên thi thể của nhà vua.
Ngày 13/4/1973, khi các nhà nghiên cứu khai quật lăng mộ, họ thấy một chiếc quan tài bằng gỗ bị mục nát cùng bộ hài cốt.
Chỉ một vài ngày sau, 4 nhà nghiên cứu trong nhóm qua đời vì nhiễm trùng và đột quỵ. Trong những năm sau đó, ít nhất 15 người tham gia nghiên cứu tại lăng mộ và trong phòng thí nghiệm đã chết sau khi tiếp xúc với di hài của vua Casimir IV Jagiellon.
Sự việc làm dấy lên tin đồn lăng mộ ẩn chứa lời nguyền dành cho những kẻ quấy rầy nơi an nghỉ của nhà vua.
Sau nhiều năm suy đoán, các nhà nghiên cứu cuối cùng phát hiện nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của hơn 15 người tham gia cuộc khai quật.
Tương tự như trong các lăng mộ Ai Cập, thủ phạm đứng sau cái chết của nhiều nhà khoa học chính là Aspergillus flavus, một loại nấm hoại sinh và gây bệnh. Nó gây ra các bệnh nhiễm trùng đối với động vật có vú, bệnh hen suyễn và dị ứng ở một số người.
Đối với những người miễn dịch kém, loại nấm này có thể gây tử vong. Nó thường xuất hiện trong lăng mộ và tấn công mọi thứ xung quanh khi mộ được khai quật.
Ngày nay, các nhà khoa học hiểu rõ những người có sức đề kháng kém không nên tham gia khai quật và nghiên cứu các ngôi mộ chứa nấm độc Aspergillus flavus.
Ngoài loại nấm này, 2 loại khác cũng được tìm thấy trong mộ vua Casimir là Penicillim rubrum và Penicillim rugulosum. Chúng đều sản sinh độc tố aflatoxin, có thể gây chết người khi hít phải.