Sự thật và nỗi oan “ngoa truyền”

Sự thật và nỗi oan “ngoa truyền”

Tuệ Tĩnh sinh thời nhà Lê?

Đại đức Thích Tâm Hiệp và Thiền sư Lê Mạnh Thát, tức Thượng tọa Thích Trí Siêu - một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng nước ta mới đây đã về Cẩm Giàng (Hải Dương) thăm chùa Giám để tìm hiểu một cách sâu sắc về danh y Tuệ Tĩnh. Thiền sư Lê Mạnh Thát dù có nhiều công trình lịch sử, nhưng thừa nhận chưa hề có một bản nghiên cứu công phu nào về Tuệ Tĩnh: “Tôi chưa làm là do chưa xác định được niên đại chính xác của Tuệ Tĩnh, vì GS Hà Văn Tấn có nói trong nghiên cứu của ông là Tuệ Tĩnh sinh vào thời nhà Lê”.

Đại đức Thích Tâm Hiệp ngạc nhiên vì đó là lần đầu tiên nghe nói danh y Tuệ Tĩnh sinh vào thời nhà Lê. Từ xưa, nhắc tới Tuệ Tĩnh ai cũng nghĩ vị danh y này sinh thời nhà Trần. Bởi thông tin chưa được chính xác nên thầy Tâm Hiệp tìm gặp cụ Tăng Bá Hoành, nhà khảo cổ nổi tiếng đất Hải Dương kiểm chứng. Cụ Hoành khẳng định đã thấy tấm sắc và sắc phong cho Tuệ Tĩnh là người thời Trần, không phải thời nhà Lê. Tấm sắc và sắc phong đó hiện ở một ngôi đền tại Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Khảo sát qua các linh tích như đền Bia, đền Xưa nơi Tuệ Tĩnh sinh, và cả chùa Giám nổi tiếng. Tại đây, còn cây thêu hương hứa hẹn nhiều tư liệu quý. Tuy nhiên, thầy Tâm Hiệp cho rằng hãy chỉ cho việc Tuệ Tĩnh sinh thời nhà Lê là một giả thuyết. Nếu những kết quả nghiên cứu sau này không đưa thêm bằng chứng gì mới thì truyền thuyết địa phương và những công trình nghiên cứu chuyên môn khác cho phép khẳng định Tuệ Tĩnh là một nhân vật đời Trần.

Tấm bia 4 mặt ở chùa Giám ghi chép nhiều tư liệu về Tuệ Tĩnh.
Tấm bia 4 mặt ở chùa Giám ghi chép nhiều tư liệu về Tuệ Tĩnh. 

Còn sự thật thì đã qua các tư liệu lịch sử do các nhà viết sử đương thời chép lại khá rõ ràng. Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy (Nam Định) nuôi ăn học. Năm 22 tuổi, Bá Tĩnh đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người. Từ người giữ đền cho đến người bốc thuốc, bán nước dọc con đường vào đền đều kể rành mạch ly kỳ về câu chuyện cuộc đời Tuệ Tĩnh. Một cuộc đời oan nghiệt do bị “cống” qua Trung Quốc. Rồi cũng ly kỳ và bí hiểm khi vị quan Nguyễn Danh Nho dưới triều Nguyễn đi xứ gặp tấm bia “Ai về nước Nam cho tôi về với” và ông đã tìm cách đưa được tấm bia về.

Nhưng điều làm cho hậu thế ngờ ngợ giữa thật và giả là chuyện nhà vua “khóa bia bỏ tù”. Nguyên nhân được cho là do dân chúng thấy thiêng quá, kéo đến đông đảo nên vua lệnh xích tấm bia lại, không cho ai thấy nữa. Đó là tấm bia ghi lại lời di nguyện của đại danh y Tuệ Tĩnh cách đây vài trăm năm được nhân dân vái lạy, thờ cúng, còn vua Thiệu Trị lại ra lệnh nhốt trong ngục thất. Nguyên nhân có phải vì bia thiêng nên nhân dân tin vào thần thánh, làm mất uy danh quyền lực trị vì, hay vì điều gì khác?

Tại đền Bia, một di tích cấp quốc gia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng là nơi thờ tự đại danh y Tuệ Tĩnh phối thờ danh nhân Nguyễn Danh Nho (1638 - 1699), đỗ tiến sĩ dưới đời vua Lê Huyền Tông, được giữ chức Tả ti giám, Hiến sát sứ, sau thăng đến Bồi Tụng hữu thị lang, tước Nam. Qua tìm hiểu cũng như tham vấn ý kiến từ Thiền sư Lê Mạnh Thát, được biết ngôi đền này mang tên một cổ vật. Đó là tấm bia đá xanh nặng 75kg, hình hộp đứng, đỉnh bia là búp sen, được đặt trong long đình, bưng kính xung quanh, để ở phía sau tượng Tuệ Tĩnh.

Di nguyện trên bia đá hơn 300 năm

Tượng thờ danh y Tuệ Tĩnh ở chùa Giám.
Tượng thờ danh y Tuệ Tĩnh ở chùa Giám. 

Tấm bia đá cổ được cho là làm năm 1699, thời Lê Trung Hưng. Trên bia khắc hai dòng chữ là lời nhắn của đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”, nhưng dòng chữ ấy đã bị đục mờ. Mặt hai bên cạnh có gờ chỉ chạy xung quanh bia và cũng khắc chữ nhưng bị đục hết, không còn biết nội dung viết gì. Bề mặt tấm bia loang lổ lớp sơn son thếp vàng, rất bí ẩn.

Cụ Hà Quang Thành, Trưởng ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng giới thiệu tấm bia này có xuất xứ và số phận ba chìm bảy nổi như cuộc đời của danh y Tuệ Tĩnh. Theo một số tư liệu sử sách ghi lại, khi đi sứ sang nước Minh vào năm 1384, Tuệ Tĩnh đã chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu Tống Vương Phi và được vua Minh cảm tài phong cho danh hiệu Đại y thiền sư, lưu ông ở Kim Lăng (Trung Quốc).

Được trọng dụng nhưng người con đất Việt này luôn nhớ về quê hương. Biết số phận mình sống nhờ thác gửi nên đã di ngôn để tạc vào bia mộ dòng chữ: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”. Một thời gian sau ông mất ở Giang Nam (Trung Quốc). Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị đại danh y, TS Nguyễn Danh Nho đã xin với vua nhà Thanh đưa hài cốt Tuệ Tĩnh về nước nhưng không được chấp thuận. Ông thuê người sao chép bia mộ, rồi khi về nước đã đến vùng Kinh Môn thuê thợ khắc lại tấm bia đá.

Hiện nay, trong đền Bia treo đôi câu đối ca ngợi Tuệ Tĩnh: Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa/Thánh sư diệu dược trấn Nam bang (Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng lẫy đất Bắc/Chữa bệnh thần diệu tài quán nước Nam). Với vị trí nằm ở cánh đồng nơi tiếp giáp giữa làng Văn Thai và làng Nghĩa Phú, xung quanh đền Bia được có nhiều loại cây xanh tốt, trong số đó nhiều cây có thể dùng làm thuốc. Người dân trong vùng mỗi khi cần đều đến đền xin thuốc chữa bệnh.

Bia thiêng Tuệ Tĩnh

Ở Hải Dương còn lưu truyền câu chuyện kể rằng, khi thuyền chở bia di nguyện trên sông Thái Bình, đến cánh đồng Văn Thai ở địa điểm tiếp giáp với làng Nghĩa Phú quê hương của Tuệ Tĩnh thì bị lật, bia rơi xuống và không lấy lên được. Một thời gian sau khi nước cạn, người dân đã tìm thấy tấm bia này. Thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu chuyên thái thuốc Nam, người dân cho đó là nơi địa linh nên đã dựng bia tại đây để thờ cúng, cách quê hương Tuệ Tĩnh khoảng hơn một cây số.

Đền Bia nằm phía trong chân đê sông Thái Bình, thuộc thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn. Ở hậu cung, trong khám thờ là một bức tượng bằng đồng ngồi trên ngai nhỏ, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng. Theo sử sách trong đền viết lại thì bức tượng này do người dân trong làng Văn Thai tự tay tạc đúc để thờ từ những ngày đầu dựng đền. Từ lâu, bức tượng thờ danh y Tuệ Tĩnh bằng đồng là một tuyệt tác thể hiện sự điêu luyện trong điêu khắc của người nông dân vốn chỉ quen với ruộng đồng. Tuy nhiên, đem lại sự nổi tiếng cho đền Bia không chỉ có bức tượng đồng này mà còn bởi tấm bia đá 319 năm được đặt phía sau cùng của gian hậu cung.

Tấm bia như một cột đá nhỏ, cao khoảng 80cm rộng khoảng 20cm đầu được mài nhọn. Cụ Hà Quang Thành, Trưởng ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, cho biết: Người xưa kể lại hễ ai đi qua đều ném đất vào để đền thờ cao dần lên và mong buôn bán đắt hàng. Từ khi lập nên đền Bia, người dân khắp nơi kéo về để cầu sức khỏe.

Nỗi oan “ngoa truyền”

Năm 1846, vua Thiệu Trị cho rằng đó là việc mê tín dị đoan nên đã hạ chiếu cấm cúng bái và xin thuốc ở đền Bia. Nhân đó, vua sai người đục hết chữ trên tấm bia và mang “nhốt” vào trong ngục thất, cho người canh gác cẩn mật. Vào một đêm trời mưa gió, một người làng Văn Thai làm lính canh đã bí mật đào tường, đưa tấm bia về cất giấu ở nhà Tổ chùa Văn Thai, rồi sơn vàng tấm bia, xây kín lại để tránh bị phát hiện.

Ngày tổ chức lễ hội, tấm bia được đem ra đền Bia, khách thập phương lại đến xin thuốc và cung tiến tiền để tu sửa đền. Tương truyền, tiền công đức nhiều tới mức đựng hàng thúng, xây đền không hết, dân làng đã mua đá xanh về lát đường làng Văn Thai. Trong đó phải kể đến chuyện ông chánh tổng Nam Sách tên là Lưu Sinh bị tai biến, không đi lại được, đã nhờ người đưa đến đền Bia xin thuốc về uống và khỏi bệnh. Để tỏ lòng biết ơn, năm 1940 ông đã bỏ tiền ra thuê thợ tạc bệ đá đặt tượng Tuệ Tĩnh như ngày nay.

Theo ông Hà Quang Thành, tấm bia đá là hiện vật độc đáo của di tích đền Bia, gắn với đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh, ông tổ nghề y học cổ truyền đề cao phương châm: “Nam dược trị Nam nhân”. Hiện nay, hằng ngày đền Bia đón tiếp nhiều du khách đến thắp hương, vãn cảnh và xin thuốc về uống. Trong đó có nhiều sinh viên trường y dược trên cả nước đi thực tế.

Hành động cho đục chữ và “nhốt” bia đá trong ngục thất của vua Thiệu Trị đặt ra nhiều câu hỏi. Theo Đại đức Thích Tâm Hiệp, người đời cho rằng vì tấm bia thiêng nên vua Thiệu Trị sợ là mê tín dị đoan mới dẫn đến hành động đục chữ và bắt nhốt. Tuy nhiên, theo ý kiến thầy Hiệp cũng như khảo sát thực tế của thiền sư Lê Mạnh Thát khi về đền Bia, chùa Giám và đền Xưa – ba di tích liên quan đến cuộc đời của danh y Tuệ Tĩnh, thì việc những sự tích mang tính huyền thoại về Tuệ Tĩnh chỉ là “ngoa truyền” theo lối thêu dệt. Việc nhân dân sùng kính Tuệ Tĩnh và tấm bia ấy là có thật. Tuy nhiên, không phải sự sùng kính ấy là mê tín dị đoan mà có cơ sở, bởi từ xưa Tuệ Tĩnh đã được coi là ông tổ y dược nước Nam.

Chính bởi “ngoa truyền” thêu dệt những câu chuyện khó tin về tấm bia đá mà Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã cho người tạc lại nên vua Thiệu Trị sợ rằng, hành động sùng kính của người dân đối với Tuệ Tĩnh sẽ làm giảm uy quyền trị vì của triều đình nên mới ra lệnh đục chữ và “nhốt” bia trong ngục thất. Hơn 300 năm kể từ ngày tấm bia ấy được tạc theo nguyên văn di nguyện của Tuệ Tĩnh, cho đến nay người đời vẫn coi tấm bia ấy là bảo vật, là bằng chứng cho tấm lòng nhớ nước thương dân của Tuệ Tĩnh.

Còn một điều nữa mà cho đến nay, sử học nước ta cũng chưa thực sự thống nhất, đó là vấn đề Tuệ Tĩnh bị cống hay đi sứ theo đoàn sang Trung Quốc rồi bị giữ lại? Có ý kiến cho rằng, Tuệ Tĩnh bị cống là chính xác. Ý kiến khác cho rằng, vua triều Minh giữ ông lại vì thấy Tuệ Tĩnh là nhân tài hiếm có, sẽ có lúc phải sử dụng. Chính tài năng ấy đã khiến vua Minh phong Tuệ Tĩnh là “Đại y thiền sư”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ