Sue Carter, Giám đốc danh dự của Viện Kinsey ở Indiana và là nhà sinh vật học nổi tiếng chuyên về gắn kết xã hội, nói: “Một cuộc chia tay đột nhiên làm mất đi chất dẫn truyền thần kinh mà chúng ta đã quen thuộc. Cũng giống như một người nghiện cảm giác được yêu thương, cuộc chia tay tồi tệ sẽ gây ra đau khổ lớn".
Đối với một số người, điều này thậm chí còn bao gồm cả sự khó chịu về thể chất. Carter giải thích: “Một cuộc chia tay tạo ra phản ứng căng thẳng trong cơ thể, não bộ, và não phản ứng như thể có một kích thích đau đớn về thể xác”.
Một niềm khao khát đột ngột cũng thường theo sau. Bạn tìm kiếm người đã không còn muốn ở bên bạn, những cảm xúc tích cực mà bạn từng gắn bó. Sự đau khổ của tình yêu đơn phương cũng giống như vậy.
Carter cho biết, những cảm giác mất mát hoặc khao khát này có thể biểu hiện dưới dạng chán ăn, thay đổi cân nặng, rối loạn giấc ngủ, lo lắng hoặc thậm chí trầm cảm.
Những cảm giác như vậy có thể tăng lên đáng kể nếu người ấy qua đời. Trong những trường hợp cực đoan, điều này có thể gây tử vong cho người ở lại.
Carter nói: “Oxytocin rất quan trọng trong việc bảo vệ tất cả các mô, đặc biệt là tim. Khi dòng chất này đột ngột dừng lại sau cái chết của người yêu hoặc người thân, nó có thể tạo ra phản ứng tim mạch.
Đối với nhiều người, điều này cộng với việc giải phóng các hormone căng thẳng đi kèm với sự mất mát đột ngột khiến huyết áp tăng vọt, tim đập nhanh và khó thở".
Mặc dù các triệu chứng như vậy là biểu hiện thể chất tồi tệ nhất đối với hầu hết mọi người, nhưng những người mắc bệnh tim tiềm ẩn “có thể có nguy cơ bị đau tim”. Đây là nơi xuất hiện tình trạng bệnh lý hiếm gặp được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ.
Carter giải thích: “Một nghiên cứu mang tính đột phá về sự đau buồn từ những năm 1960 đã xem xét 4.486 người góa vợ ở Anh. Trong 6 tháng đầu tiên sau khi mất vợ/chồng, họ có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những người đã kết hôn cùng độ tuổi với họ.”
May mắn là những kết quả tồi tệ nhất liên quan đến việc chia ly người thân - dù là chia tay hay qua đời - sẽ giảm dần theo thời gian khi chúng ta hình thành và củng cố các mối quan hệ mới.
Carter nói: “Khi các mối quan hệ xã hội bị phá vỡ do chia ly hoặc mất đi một đối tác, hệ thống thần kinh cần thời gian để cân bằng lại và điều chỉnh.
Theo đúng nghĩa đen, chúng ta có thể trải qua nỗi đau của một mối quan hệ đã mất mãi mãi, nhưng mối liên kết mới hình thành có thể giúp chữa lành nỗi đau tinh thần liên quan đến sự mất mát".
Tự chăm sóc cũng có thể giúp chữa bệnh. Carter khuyên: “Sau những ngày hoặc tuần đầu tiên khó khăn nhất, điều quan trọng là phải làm những việc bạn thích để giảm hormone căng thẳng và tăng hormone tình yêu".
Cũng có thể hữu ích nếu bạn nhận ra mình đang ở đâu và mở rộng vùng an toàn của mình để hình thành những kết nối có ý nghĩa hơn với những người thân yêu hiện có hoặc những nhóm bạn mới.
Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ dường như thiếu tình yêu và những hormone tạo cảm giác dễ chịu đi kèm với nó, Carter khuyên bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho đối tác của mình, tập trung vào điểm mạnh của họ và những kỷ niệm hạnh phúc của hai bạn hoặc tham gia vào các hoạt động thân mật thể xác như một cách kích hoạt việc giải phóng các hóa chất tích cực và cải thiện kết nối của bạn.
Và nếu bạn hiện không có một mối quan hệ lãng mạn nào, các hormone liên quan đến tình yêu vẫn có thể được kích hoạt bằng cách dành thời gian vui vẻ với các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết, ôm ấp họ, tận hưởng thiên nhiên và thậm chí tương tác với thú cưng ở nhà.
Một điều bạn không nên làm là chấp nhận cuộc sống cô đơn. Giống như nhiều loài động vật có vú khác, con người không tiến hóa để sống như những sinh vật đơn độc. Tình yêu không phải là điều tùy chọn. Tình yêu là một nhu cầu sinh học.