(GD&TĐ) - Là xã nằm ở vùng hải đảo xa xôi, điều kiện còn nhiều khó khăn, trong những năm gần đây, công tác giáo dục tại xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) có nhiều khởi sắc. Trong đó, nổi bật là việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường và chất lượng giáo dục từng bước nâng lên đáng kể…
Giáo viên Trường TH - THCS An Hòa xem lại hồ sơ học sinh năm học mới |
Xã Nam Du hiện có 3 điểm trường TH và THCS gồm: Hòn Mấu, An Bình và An Hòa, với 8 phòng học. Năm học 2012 - 2013, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nỗ lực của tập thể giáo viên và các em học sinh, chất lượng giáo dục ở xã đảo Nam Du tiếp tục gặt hái nhiều thành công đáng khích lệ. Trong đó, tỉ lệ học sinh khá, giỏi khối THCS chiếm trên 28%; khối tiểu học chiếm trên 64%. Phát huy kết quả đạt được, năm học 2013 - 2014, Nam Du tiếp tục phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu mới trong giảng dạy như: Vận động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 98% trở lên; số học sinh khá, giỏi các khối từ bằng đến hơn năm 2012 - 2013… Ngoài ra, xã đẩy mạnh công tác khuyến học, góp phần cho sự nghiệp giáo dục càng phát triển.
Ông Huỳnh Văn Lời - Chủ tịch UBND xã Nam Du, cho biết: “Là xã có đông hộ gia đình đến tạm trú, do đó việc huy động trẻ trong độ tuổi đến trường còn nhiều khó khăn. Mặt khác, giáo viên nơi đây thường chuyển trường cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và quyết tâm của đội ngũ thầy cô giáo nên tình hình giáo dục địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng là tỉ lệ học sinh khá, giỏi và lên lớp thẳng đạt chỉ tiêu đề ra…”.
Được biết, để góp phần cùng nhà trường kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, vào đầu năm Đảng ủy xã còn phân công đảng viên phụ trách theo địa bàn thường xuyên theo dõi, vận động gia đình và học sinh bám trường, bám lớp và giúp đỡ học sinh trở lại lớp học. Đây được xem như là một trong những cơ sở đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm.
Chính vì vậy, số học sinh bỏ học ở xã đảo Nam Du thường chỉ rơi vào trường hợp gia đình chuyển đến địa bàn khác sinh sống. Cô Nguyễn Thị Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở An Hòa, chia sẻ: “Năm học mới, dù còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất nhưng tập thể giáo viên nhà trường quyết tâm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ. Ngay trước thềm năm học mới, chúng tôi họp giáo viên chuẩn bị các hoạt động cho năm học. Trong đó xác định rõ mục tiêu ngay từ đầu năm là chất lượng giáo dục phải nâng lên và giảm thiểu tối đa tỉ lệ học sinh bỏ học…”.
Em Bùi Diễm Trinh, học sinh lớp 5, Trường TH-THCS An Hòa chuẩn bị tập sách đầy đủ cho năm học mới |
Hiện tại, ngoài có bậc học TH và THCS, xã đảo Nam Du còn có 3 lớp mầm non với gần 100 bé được ghép vào dạy tại cả 3 điểm trường của xã. Dù còn thiếu giáo viên chính quy mầm non, song với những nỗ lực của các giáo viên nơi đất đảo, bước đầu các bé được đào tạo cơ bản đáp ứng chương trình mầm non.
Theo UBND xã Nam Du, hiện đã có dự án xây dựng mới trường THCS và xã đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đối với những trường, lớp cũ sẽ được sửa lại làm trường mầm non. Trước thông tin trên, chị Trần Thị Ngọc, người dân ấp An Phú, phấn khởi: “Nếu trường mầm non đưa vào sử dụng con em chúng tôi được học hành trong môi trường đầy đủ hơn, bài bản hơn và bộ mặt giáo dục của xã cũng được nâng lên vì ở xã đảo xa xôi mà còn có cả trường mầm non thì tốt quá…”.
“Thời gian qua, chúng tôi tạo điều kiện để thầy, cô đến đây an tâm công tác như: Hỗ trợ quỹ đất để xây dựng nhà cho giáo viên; chọn vị trí thuận lợi để xây trường mới… với mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn với các thầy cô. Tuy nhiên, thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh, huyện và ngành Giáo dục tỉnh nghiên cứu sớm xây dựng nhà công vụ để giáo viên an tâm công tác và gắn bó với xã hơn nữa…” - ông Huỳnh Văn Lời, Chủ tịch UBND xã Nam Du cho biết thêm.
Tân Lợi