Sứ mệnh cao cả nghiệp trồng người

GD&TĐ - Mỗi năm khi mùa xuân chạm ngõ, người ta thường có thói quen suy ngẫm về những chặng đường đã qua, đồng thời hoạch định cho chặng đường mới. Và đây cũng là dịp để mỗi người làm công tác giáo dục nhìn lại sứ mệnh nghiệp trồng người của mình

Sứ mệnh cao cả nghiệp trồng người

Và mùa xuân này cũng vậy, nhưng nó có nhiều lý do hơn để mỗi người làm công tác giáo dục suy nghĩ về nghề dạy học, để thấu hiểu hơn trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp “trồng người”.

Năm nay - dấu mốc của năm thứ 5 toàn ngành Giáo dục bắt tay vào triển khai nhiệm vụ theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế - một nhiệm vụ vừa vinh quang và cũng thật nặng nề càng khiến mỗi người làm công tác giáo dục nhận rõ hơn về con đường mình đang đi, về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn và theo đuổi.

Nhất là giờ đây cái sứ mệnh cao cả, nhiệm vụ của mỗi người thầy đã được chỉ rõ không phải chỉ dạy, mà còn phải từng bước dạy cho người học biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu, phát hiện ra điều mới… nghĩa là phát huy tích cực nội lực của mình để thông qua tri thức mà phát triển trí tuệ, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách, chứ không phải chỉ tiếp thu tri thức một cách thụ động, dù là tri thức tiên tiến.

Hay nói cách khác, nhiệm vụ mỗi người thầy là thông qua giáo dục mà đánh thức cái tiềm năng trong mỗi học sinh, sinh viên khơi dậy và phát triển cái nội lực đó của người học.

Đó thực sự là một công việc không dễ chút nào, bởi thực tế xã hội đang có những chuyển biến chóng mặt, ở đó nhiều vấn đề, nhiều kiến thức, nhiều quan niệm mới hôm qua còn được chấp nhận, hôm nay đã có thể không còn thích hợp nữa. …

Cũng chính từ mục tiêu của sự nghiệp giáo dục đào tạo, là không phải chỉ nhằm tạo ra con người làm ngay được một nghề nghiệp, một công việc cụ thể trước mắt, mà còn phải nhìn xa hơn, đào tạo những con người có khả năng thích ứng linh hoạt với những hoàn cảnh, những nghề nghiệp, những công việc luôn luôn thay đổi sau này, những con người thạo việc, năng động, sáng tạo, biết lo cho bản thân, cho cộng đồng, đồng thời cũng là những công dân có trách nhiệm với xã hội, với đất nước… càng làm cho mỗi người làm công tác giáo dục thêm sự lắng kết, trăn trở về nghề, xác định rõ chấp nhận đến với nghề dạy học, đồng nghĩa với việc bên cạnh phải luôn phấn đấu trở thành người thầy mẫu mực, là tấm gương tiêu biểu của con người mới, đem trí tuệ, tâm huyết, sức lực cống hiến đào tạo, giáo dục các thế hệ trẻ trở thành những người có ích cho xã hội, góp sức vào xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa và bảo vệ Tổ quốc...

Nhất là khi ngày nay trước những đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, dành sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Vị thế, vị trí người thầy được xem là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy.

Điều đó cũng đồng nghĩa vai trò trách nhiệm người thầy càng có vị trí đặc biệt quan trọng, càng đòi hỏi sự lao động của người thầy càng phải hết sức cẩn trọng, khoa học, nghiêm túc.

Vì thế, công việc rất cần được mỗi người dạy học phải bắt tay vào làm ngay lúc này là phải không ngừng tự hoàn thiện mình, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng cập nhật các tri thức khoa học, kỹ thuật công nghệ và giáo dục hiện đại, để theo kịp các bước tiến khoa học và đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn đặt ra cho sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh đó phải luôn lấy yếu tố đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp làm hàng đầu qua việc không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với chính mình và xã hội.

Ngoài mỗi người thầy cũng cần phải thường xuyên tiếp thu, lắng nghe sự đóng góp chân thành từ phía đồng nghiệp và người học; nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận những ưu điểm và những khiếm khuyết của bản thân trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu; cần tránh tình trạng dễ làm, khó bỏ, tôn vinh, đánh bóng uy tín của mình và tìm cách hạ uy tín của người khác, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết thống nhất nội bộ….

Nói một cách chung nhất đó là mỗi người thầy phải có thế giới quan khoa học đúng đắn, phải được đào tạo một cách có hệ thống, có trình độ về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn mà mình giảng dạy, đồng thời phải có trình độ nhất định về các môn khoa học cơ bản, khoa học công nghệ ứng dụng, kĩ thuật và khoa học xã hội nhân văn.

Mặt khác phải có năng lực chọn lọc các tri thức cơ bản, hiện đại thực tiễn, phù hợp với phương pháp giáo dục của bậc học, để có thể chuyển tải nội dung môn học tới học sinh một cách hấp dẫn, phải không ngừng rèn luyện, trau dồi cả chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp và phải học hỏi suốt cuộc đời.

Bởi kiến thức khoa học, xã hội rất rộng lớn, những phát minh, khám phá, kỹ thuật hiện đại thì thay đổi hằng ngày, cho nên phải cập nhật, học hỏi để có thể theo kịp thời đại. Hơn thế, giáo dục ngoài tính chất là một khoa học, còn là một nghệ thuật. Người thầy giáo giỏi cần nắm chắc về chuyên môn và giỏi về nghệ thuật truyền đạt.

Có thể nói sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với nền giáo dục, đào tạo nói chung và việc lưu giữ, phát huy những giá trị cao đẹp của đạo đức người thầy trong truyền thống nói riêng.

Để tạo ra một lớp người Việt Nam cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trí tuệ, đủ năng lực đưa nước ta hội nhập với văn minh nhân loại mà bản sắc dân tộc vẫn được giữ vững, là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng trong đó người thầy giữ vai trò yếu tố quyết định.

Để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, mỗi người thầy phải không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu mới, phải có ý thức quyết tâm đi vào khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học giáo dục, làm tốt công tác “dạy chữ, dạy nghề, dạy người”.

Tập thể người thầy, cá nhân người thầy không ngừng nêu cao đạo đức, tác phong mẫu mực của nhà giáo xã hội chủ nghĩa. Phải làm sao để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm, say mê, bền bỉ, cần cù, nghiêm túc và sáng tạo trong lao động sư phạm, thành công không kiêu căng, thất bại không nản chí, thương yêu, gần gũi học sinh, đoàn kết với đồng nghiệp, thực sự là những “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

Nói cách khác, người thầy phải không ngừng vươn lên để tiếp tục khẳng định cái tâm, cái tầm của một nhà giáo dục có trí tuệ, có đạo đức, chống tư tưởng áp đặt và biểu hiện quyền lực trong truyền thụ tri thức mới có thể hoàn thành được sứ mệnh và nhiệm vụ trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải