Sự lựa chọn không hề dễ dàng

GD&TĐ - Nếu trước đây, phụ huynh chỉ cho con học trường tư khi không thể xin vào trường công lập, thì nay câu chuyện bắt đầu có diễn biến khác.

Sự lựa chọn không hề dễ dàng

Rất nhiều phụ huynh có trình độ học thức và điều kiện kinh tế chuyển hướng cho con học trường tư thục. Và với một số trường ngoài công lập có uy tín, cuộc đua vào trường cũng căng thẳng không kém những trường công tên tuổi.

Chọn học trường công hay tư?

Cách đây 5 năm, chị Mai Thị Dung (Hoàng Mai, Hà Nội) phải khá vất vả mới xin được cho con gái lớn học tại 1 trường điểm tại quận Hai Bà Trưng. Dù có những hạn chế nhất định về cơ sở vật chất, khi đó, ngôi trường gần 100 tuổi này vẫn rất "có giá" và không phải ai cũng có thể xin được 1 suất vào trường trái tuyến.

Thế nhưng, năm nay, dù sẵn quan hệ, thuận tiện đưa đón, chị Dung vẫn "nói không" với ngôi trường mà khá nhiều người còn mơ ước này và cho con trai thứ 2 học trường ngoài công lập. Đây là trường của một tập đoàn lớn nên theo chị dù non trẻ nhưng đã sớm khẳng định được thương hiệu.

"Từ năm trước, số học sinh đầu quân vào trường này đã rất đông và hình như năm nay còn đông hơn. Do vậy, xin được vào trường vất vả lắm. Sau 2 tuần con học tại trường, mình thở phào vì đã lựa chọn đúng” – chị Dung chia sẻ.

Sự khác biệt giữa trường công và tư theo chia sẻ của chị Dung từ trải nghiệm thực tế, rõ ràng nhất là ở cơ sở vật chất, chương trình học và phần nào đó là thái độ của giáo viên, nhân viên trong trường.

Chị Dung cho biết: Trường con gái lớn học rất chật chội. Năm lớp 1 cả lớp có hơn 50 học sinh, nay đã đội đến trên 60. Do còn chung với trường THCS nên buổi sáng các con học bán trú nhà dân, chiều mới vào trường học. Cô giáo tốt, nhưng mình cô với trên 60 học trò thì quả là quá sức, chắc chắn không thể quan tâm học sinh sát sao. Việc đón trả cũng là vấn đề bởi cô chỉ cùng con ở địa điểm trả học sinh khoảng 10 – 15 phút; nếu bố mẹ không đón, con sẽ quay lại trường đợi mà hầu như không có người quản lý.

Ngược lại, cơ sở vật chất trường tư nơi chị Dung cho con trai học, theo chị rất tuyệt vời. Một lớp khoảng 30 đến 35 học sinh, ngoài giáo viên chủ nhiệm còn có cô phụ trách bán trú; nhà vệ sinh lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho; đồ ăn nấu rất ngon. Được cô giáo quan tâm, biết cách động viên, giờ học lúc nào cũng sinh động nên thứ 7, chủ nhật, con cũng đòi được đến trường. Phụ huynh đến đón học sinh phải ký nhận mỗi ngày.

Chưa kể liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh vô cùng bài bản. Một ngày chị Dung cho biết nhận được khoảng 3 – 5 tin nhắn của cô, thông báo chi tiết về tình hình học tập. Cuối mỗi tuần cô lại có cả trang nhận xét gửi cho phụ huynh.

“Ở trường này, mình có thể thoái mái gọi cho cô trao đổi về tình hình học của con; ngay cả buổi tối cô cũng rất vui vẻ, nhiệt tình trả lời và còn cảm ơn phụ huynh vì đã cùng cô theo sát việc học của con. Đó là điều quả thực mình không dám làm với giáo viên trường công.

Nói thêm, giáo viên chủ nhiệm con trai mình từng là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, có trên 20 năm dạy học tại một trường công có tiếng của Hà Nội” – chị Dung cho tâm sự.

Nhiều phụ huynh có cùng suy nghĩ như chị Dung, nếu có điều kiện kinh tế, họ sẽ chọn trường tư, nhưng đó phải là trường tốt, có uy tín. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng những trường này chưa nhiều, ngay cả thành phố lớn như Hà Nội, chưa kể đến chi phí học khá cao so với mặt bằng chung. Do đó, trường công lập vẫn là lựa chọn của số đông cha mẹ học sinh.

Chị Hà Mai Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có 2 con học trường công lập cho rằng, với một trường tư ít uy tín và trường công lập, chắc chắn phụ huynh sẽ chọn trường công. Bởi trường công lập mức thu thấp, chương trình dạy học chuẩn, nhà trường hoạt động nghiêm chỉnh theo quy định nghiêm ngặt và bài bản; giáo viên ổn định…

“Hiện nay, ở Hà Nội có rất nhiều trường công lập có uy tín, chất lượng dạy tốt, chỉ có điều sĩ số quá đông. Con gái mình đang học mẫu giáo ở 1 trường công lập chất lượng cao và mình thấy hài lòng. Với mức tổng kinh phí khoảng 3 triệu/tháng – chắc chắn chất lượng, cơ sở vật chất mà con được thụ hưởng hơn rất nhiều lần một trường tư thục có cùng mức đóng. Mình nghĩ loại hình trường này kết hợp được ưu điểm của cả trường công và tư, rất nên phát triển rộng thêm” – chị Phương nói.

Nhiều giáo viên giỏi thích trường tư

Không thể phủ nhận một thực tế, hiện nay không ít giáo viên giỏi đã chấp nhận bỏ viên chức để trở thành giáo viên dạy trường tư. Họ cho rằng, đây là sự lựa chọn không hề dễ dàng, vì ở trường công lập ngoài sự ổn định, công việc cũng nhàn là đỡ áp lực hơn. Tuy nhiên, đổi lại, trong môi trường tư thục cạnh tranh, họ năng động hơn, có động lực sáng tạo và luôn đổi mới mình, thu nhập cũng tốt hơn.

Là một nhà giáo có tiếng với rất nhiều thành tích nổi bật, NGƯT Nguyễn Thị Thúy (Trường THPT Nguyễn Du, Bà Rịa – Vũng Tàu) đưa phân tích: Trường công lập trong quản lí không áp lực về tài chính; cơ sở vật chất đã có sẵn, nguồn tuyển sinh được giao chỉ tiêu; trong khi đó, trường tư thục tự chủ về mọi mặt và luôn cần tìm giải pháp để tồn tại.

“Nếu được chọn, tôi sẽ chọn trường tư vì ở đó tôi sẽ được nhận lương xứng đáng theo năng lực của mình. Bên cạnh đó, giáo viên được làm việc trong môi trường phải cạnh tranh thì năng lực chuyên môn sẽ luôn được trau dồi và bắt buộc phải tự bồi dưỡng” – NGƯT Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.

Cũng là một giáo viên tiêu biểu toàn quốc, thạc sĩ Tô Ngọc Sơn (giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An – Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho rằng, mỗi loại hình trường học đều có một ưu thế riêng. Trường công mang tính ổn định, giáo viên dạy trường công sẽ được an tâm, nhẹ nhàng hơn trong công việc, không có sự cạnh tranh cao, không áp lực chuyên môn. Còn trường tư, bởi mong muốn được phát triển và tồn tại, trường mang tính đòi hỏi cao, do đó, giáo viên cần năng động, sáng tạo, có sức chiến đấu và cạnh tranh cao trong công việc.

“Nếu được dạy, tôi thích được cộng tác với trường tư hơn. Môi trường này sẽ giúp tôi năng động hơn; và chắc chắn tôi sẽ giảng dạy tốt hơn vì lãnh đạo nơi ấy cần tôi, môi trường đó cần tôi. Tôi thích được làm việc trong một môi trường như vậy” – thầy Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.