Các trường ĐH ngoài công lập, CĐ tìm được “từ khóa tuyển sinh”

GD&TĐ - Ngày 3/9, đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu đã rất phấn khởi sau buổi làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Đại Nam và Trường CĐ Truyền hình - khối trường trước đây vốn khó khăn trong tuyển sinh - khi các trường đã tìm ra được bí quyết thu hút thí sinh về với mình: Chất lượng đào tạo và việc làm sau khi ra trường.

Các trường ĐH ngoài công lập, CĐ tìm được “từ khóa tuyển sinh”

Trường Đại học Đại Nam: Bí quyết để trẻ nhưng không non!

Tại buổi làm việc, TS Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Đại Nam - chia sẻ: Đối với các trường ngoài công lập, còn rất nhiều khó khăn từ các vấn đề vĩ mô như việc thay đổi tư duy của xã hội đối với quan niệm trường công - trường tư, sự đầu tư của Nhà nước cho hệ thống ngoài công lập… hay chuyện thường ngày như học phí. 

Tuy nhiên, nếu cứ đòi hỏi hay chờ đợi sự thay đổi của hoàn cảnh thì các trường ngoài công lập chỉ tồn tại đã khó khăn chứ chưa nói đến việc phát triển.

Theo TS Lê Đắc Sơn, để giải bài toán tuyển sinh một cách cơ bản, trường không chỉ chú trọng vào việc truyền thông cho nhà trường, thông tin về công tác tuyển sinh mà tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Trường Đại học Đại Nam đã xác định chấp nhận cạnh tranh bằng nâng cao chất lượng đào tạo, như vậy mới nâng cao được uy tín và từ đó có nguồn tuyển ổn định.


TS Lê Đắc Sơn

Một năm trường có nhiều đợt lấy ý kiến sinh viên và kiên quyết chỉ giữ lại những giảng viên được sinh viên đánh giá cao. 

Trường cho giảng viên đề xuất những phương pháp giáo dục hiện đại, phù hợp với đối tượng sinh viên của mình. Với những cá nhân thành công mức lương trường trả sẽ tăng lên. Với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng cũng vậy. TS Lê Đắc Sơn sẵn sàng trả tới 5 triệu đồng cho 4 giờ dạy đạt chất lượng tốt.

Vốn là một nhà giáo dục trở thành doanh nhân rồi trở về với môi trường giáo dục nên TS Lê Đắc Sơn hết sức chú ý tới việc đào tạo của trường phải gắn với đòi hỏi của các doanh nghiệp. 

Vẫn gắn bó với các doanh nhân hàng đầu, thầy Lê Đắc Sơn đang ấp ủ những dự án khả thi để đào tạo có địa chỉ, tạo việc làm nhiều hơn cho sinh viên sau khi ra trường. 

Bước đầu, Trường Đại học Đại Nam đã tạo được uy tín đối với xã hội về chất lượng đào tạo, việc làm sau khi ra trường; đặc biệt là khối ngành Dược, Kinh tế. Chính vì thế, trong đợt 1 và nửa đầu đợt 2 trường đã tuyển được khoảng 65% chỉ tiêu.

PGS.TS Phan Trọng Phức - Hiệu trưởng - khẳng định: Kết thúc đợt 2, cùng với số lượng thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia còn có những thí sinh được xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng thì số lượng thí sinh trúng tuyển sẽ tiếp tục tăng. 

Tuy còn đợt tuyển thứ ba, nhà trường sẽ có những giải pháp thích hợp nhưng sẽ không hạ thấp chất lượng đầu vào, tuyển theo lối “vơ bèo gạt tép” để từng bước nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín với xã hội.

Trường Cao đẳng Truyền hình: Chất lượng tăng, ra trường có việc

Đó là phương châm đào tạo của trường mà Hiệu trưởng Trần Bảo Khánh nhấn mạnh. Vốn là một nhà báo, giảng viên của Học viện Báo chí Tuyên truyền đã 5 năm nay đầu quân cho ngành Truyền hình nên thầy Khánh chú trọng ngay việc đào tạo đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường. Từ lúc Hiệu trưởng Trần Bảo Khánh về trường tới nay, số lượng giáo viên được đào tạo trên đại học đã tăng vọt.

Cùng với đó là chất lượng của đội ngũ sinh viên ra trường. Các tiêu chuẩn nghề nghiệp sau khi ra trường được thông tin rõ trên trang web của trường để sinh viên có mục tiêu phấn đấu, xác định được nhiệm vụ học tập của mình và các đơn vị sử dụng lao động giám sát. 

Chính vì thế, đa số sinh viên ra trường có ngay nghề nghiệp từ các đơn vị tuyển dụng là các đài phát thanh truyền hình từ Trung ương đến địa phương, các công ty truyền hình cáp, công ty truyền thông.

Về việc tuyển sinh năm nay, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Văn Đức hồ hởi cho biết: Dù các trường cao đẳng thường chỉ tuyển được từ đợt 3 nhưng chúng tôi đã tuyển được 50% chỉ tiêu. 

Đạt được kết quả đó là nhờ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những văn bản chỉ đạo hết sức kịp thời, rành rẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phần mềm tuyển sinh có hiệu quả. 

Nhà trường cũng có nhiều hình thức thông tin tuyển sinh qua mạng xã hội, giao lưu trực tuyến giữa sinh viên ra trường với thí sinh và đặc biệt là việc tư vấn của các cán bộ tuyển sinh.

Đáp số đã có, cách giải phải hay!

Với mục đích lắng nghe, tìm hiểu tình hình tuyển sinh của các khu vực vốn được coi là khó tuyển là khối trường ngoài công lập và cao đẳng để đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, hữu hiệu từ đó nhân rộng ra các trường khác, Thứ trưởng Bùi Văn Ga rất vui vì các trường đã tìm ra được từ khóa của công tác tuyển sinh. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh: Tìm được đáp số đúng đã khó, nhưng cách giải thì lại có nhiều. Giải đúng chưa đủ, phải có nhiều cách giải hay thì mới thật sự thành công và thành công đó mới bền vững.

Với những đề nghị cụ thể của từng trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã chỉ đạo ngay các thành viên trong đoàn công tác có biện pháp phù hợp, đúng quy định để giúp sức các trường. 

Thứ trưởng khẳng định sẽ có nhiều hơn nữa những cuộc làm việc với cơ sở và có ngay cách chỉ đạo giải quyết kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho các trường không chỉ trong mùa tuyển sinh 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.