Hộp thư tuyển sinh xin được trả lời:
Chương trình cử nhân Ngữ văn Anh cũng giống như những chương trình cử nhân của các ngành học khác, được thiết kế theo chương trình khung giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT quy định nhằm đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất chính trị và đạo đức cho người học một cách toàn diện.
Học sinh theo học ngành cử nhân Anh văn sẽ học những khối kiến thức cơ bản của chuyên ngành ngoại ngữ, đó là nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức chuyên ngành ngôn ngữ như ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, ngữ nghĩa, văn hóa, văn học Anh - Mỹ. Ngoài ra, các bạn cũng sẽ phải học những môn học chung theo quy định thuộc khối giáo dục đại cương như: Triết học Mác - Lênin, ngoại ngữ II, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, tin học và phương pháp nghiên cứu khoa học….
Còn với chương trình cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh, người học sẽ chuyên sâu về kỹ năng biên - phiên dịch, có thể theo những đơn ngành là tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch… Ngoài ra, các bị cũng còn được trang bi một số kiến thức cơ bản khác mang tính nghiệp vụ như kỹ năng văn phòng, quản trị doanh nghiệp. Tất cả đều với mục đích tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên tốt nghiệp ngành ngoại ngữ cụ thể là tiếng Anh khi ra trường có khả năng đảm nhận các công việc văn phòng như thư ký, quản lý, tiếp tân, tiếp thị, hướng dẫn du lịch đòi hỏi khả năng tiếng Anh.
Còn về nhu cầu nguồn nhân lực, thực tế cho thấy tiếng Anh ngày một khẳng định vị trí không thể thiếu được trong một xã hội toàn cầu hóa. Nhu cầu nhân lực tiếng Anh có ở khắp các ngành nghề, từ lĩnh vực kinh doanh đến nghiên cứu, giảng dạy. Chính vì vậy, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là một ngành đào tạo được nhiều đại học đa ngành mở đáp ứng nhu cầu học tập đang ngày càng cao trong nhân dân.
Về nội dung học tập, hầu hết các chương trình đại học ngoại ngữ ngày nay ở các nhà trường, ngoài chương trình khung do Bộ GD&ĐT quy định thì các trường đều chú trọng việc trang bị kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ có tính ứng dụng cao. Một số chương trình đại học ngoại ngữ đã thiết kế các chuyên ngành mang tính hướng nghiệp như phương pháp giảng dạy và biên - phiên dịch để trang bị kỹ năng nghiệp vụ giảng dạy ngoại ngữ và công tác dịch thuật.
Nếu ở các ngành đào tạo, yếu tố thực hành ngay càng được yêu cầu cao thì với ngành ngoại ngữ, yêu cầu kết hợp lý thuyết với thực hành cho SV lại càng lớn hơn. Thực tế cho thấy, nếu trường nào tạo nhiều điều kiện thực tập cho sinh viên, có thể tham gia trợ giảng, hoặc đi dạy các lớp học của trung tâm ngoại ngữ, hay thực tập biên - phiên dịch tại các công ty du lịch, các văn phòng có giao dịch thương mại với nước ngoài, đều giúp cho năng lực ngoại ngữ của học sinh được cải thiện nhiều. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân của việc các sinh viên ngoại ngữ tốt nghiệp thường rất hoạt bát và năng động trong công việc. Thế nên để tìm việc hoặc học tiếp các chương trình cao học tại các đại học quốc tế đối với sinh viên tốt nghiệp tiếng Anh là điều không quá khó.