Sự học bên dòng sông Đà

Sự học bên dòng sông Đà

(GD&TĐ) - Xã Nậm Khao (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) có vẻn vẹn 4 bản: 2 bản người Cống, 2 bản người La Hủ, chia đều hai bên bờ sông Đà. Đường núi đi lại khó khăn nên ở bản nào cũng có điểm trường tiểu học. Ngày ngày các thầy cô trường tiểu học Nậm Khao lặn lội vượt sông mang chữ tới dạy các em. 

Lớp ít học sinh nhất nước

Cống và La Hủ là hai dân tộc có số dân thuộc diện ít nhất ở nước ta. Dân tộc Cống hiện chỉ có hơn 2.000 người, cư trú ở tỉnh Điện Biên và huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Dân tộc La Hủ có gần 10.000 người và gần 100% cư trú tại huyện Mường Tè. Người dân thuộc hai dân tộc này thường sống ở những nơi xa xôi, cách biệt. Một trong số đó là xã Nậm Khao. Từ thị trấn Mường Tè vượt qua hơn 20 km với những đoạn đường thường xuyên sạt lở, vượt qua sông Đà và 1 km đường mòn chỉ có thể đi bộ, mới tới bản Nậm Khao - trung tâm xã. Bên này sông có 1 bản người Cống, 1 bản người La Hủ, bên kia sông cũng vậy.

Thầy Vinh, hiệu phó, còn rất trẻ (mới 27 tuổi), của trường phổ thông cơ sở Nậm Khao, cho biết năm học 2011-2012 này, khối tiểu học của trường phổ thông cơ sở Nậm Khao có 15 lớp thì 11 lớp là điểm bản. Cứ các em đến tuổi đi học là thầy cô phải tới nhà vận động để các em được tới trường. Bản có bao nhiêu em thì dạy chừng đó nên ở đây, có những lớp học có số học sinh thuộc diện ít nhất nước. Như tại bản Nậm Khao có 1 lớp 2 chỉ có 2 em, lớp 3 và lớp 1 mỗi lớp có 6 em, lớp 4 có 9 em và lớp 5 đông nhất với sĩ số 22 do các em đã lớn, có thể từ các bản xa về trung tâm học.

Học sinh lớp thầy Lai chơi trò chơi trong giờ học tiếng phổ thông
Học sinh lớp thầy Lai chơi trò chơi trong giờ học tiếng phổ thông

Tất cả học sinh các lớp ở bản trung tâm, đông nhất cũng chỉ bằng một lớp ở miền xuôi. Nhưng các thầy cô đứng lớp rất gian nan, vất vả. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dưới 6 học sinh chưa thể thành lập một lớp nên ở Nậm Khao, thường xuyên có lớp ghép, như năm nay, lớp 2 được ghép với lớp 3. Theo thầy Đinh Hồng Lai, người có thâm niên dạy học nhất trường ở Mường Tè thì vất vả nhất là dạy lớp 1 và lớp ghép. Giáo viên lớp ghép phải soạn hai giáo án, dạy hai trình độ trong cùng một buổi. Mỗi lớp ngồi một bên, theo dõi bài trên nửa bảng nhưng các em thường xuyên cố tình nhìn nhầm sang phần bảng của lớp bên. Lớp quá ít học sinh nên các em ngồi học cũng buồn, không nhiều hứng thú. Thầy cô muốn cho chơi trò chơi cũng khó.

Dạy lớp 1 thì sáng sớm thầy cô phải đến từng nhà gọi các em đi học. Có những em trốn trong nhà, thầy cô phải vào tận nơi, mua kẹo cho ăn dỗ dành đến lớp. Trước khi chính thức vào lớp 1, các em được học ba tuần tiếng phổ thông vì đa phần học sinh dân tộc thiểu số chỉ thông thạo tiếng mẹ đẻ. Trong ba tuần này, các thầy cô phải “đánh vật” với hai ngôn ngữ để giúp các em có thêm vốn từ, cách sử dụng câu và bớt rụt rè, nhút nhát. Năm học này, thầy Lai phụ trách lớp 1 ở bản Nậm Khao với 6 học sinh gồm 5 em người Cống và một em người Kinh (chính là con gái thầy).

Học sinh vùng sâu, vùng xa như thế này có nhiều thứ như các loại hoa quả, con vật, đồ gia dụng còn chưa được nhìn thấy bao giờ (dù chỉ là qua tranh ảnh), nên dĩ nhiên các em chẳng biết tên gọi, nghe tên gọi cũng không biết hình dung. Thầy Lai phải sưu tầm tranh ảnh cho các em thấy, miêu tả cho các em hình dung cụ thể. Đây là quả lê, quả lê có chữ l, quả lê là quả ăn được, vị ngọt và mát… Với những thứ các em đã biết, thầy lại phải tìm hiểu xem trong tiếng Cống thì từ này là từ gì, để dạy các em cho dễ. Vất vả là thế nhưng các thầy cô không được hỗ trợ thêm gì cho 3 tuần học này.

Thầy Lai cho biết 3 tuần học rất bổ ích nhưng chưa đủ để học sinh ở Nậm Khao thông thạo tiếng phổ thông. Trong suốt năm học, ở những lớp này cần có thêm nhân viên hỗ trợ giáo viên là người địa phương, thông thạo cả hai thứ tiếng là tiếng dân tộc và tiếng phổ thông. Hình thức hỗ trợ này rất hiệu quả, giúp tăng cường tiếng Việt cho học sinh mà giáo viên không quá vất vả. 

Những con đò vượt sông Đà ở Nậm Khao
Những con đò vượt sông Đà ở Nậm Khao

Gian nan đường tới lớp

Ông Lò Văn Hùng hiện là Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khao, từng là giáo viên cắm chốt ở đây 17 năm (từ năm 1986 tới năm 2003), kể rằng hồi ông mới đi dạy ở Nậm Khao, tất cả đường từ thị trấn vào lẫn đường tới các bản đều chỉ có thể đi bộ. Giáo viên tới trường dạy chỉ lo ngay ngáy gặp hổ dọc đường. Bây giờ hổ không còn, nếu có thì hổ còn sợ gặp người hơn là người sợ gặp hổ. Song mới chỉ có đường đi từ thị trấn Mường Tè vào tới bản trung tâm Nậm Khao là đi được xe máy.

Từ bản Nậm Khao đi 3 bản còn lại là Nậm Phìn, Huổi Tát, Nậm Pục đều là đường mòn, đoạn đi được xe máy, đoạn chỉ đi bộ. Xa nhất là bản Nậm Phìn, cách trung tâm xã 21 km. Đến được Nậm Phìn mất 3 tiếng đồng hồ với tiếng rưỡi đi xe máy và tiếng rưỡi đi bộ nữa.    

Ở Nậm Khao chưa có cầu bắc qua sông Đà, hay chính xác hơn là có một cây cầu xây đã 5 năm vẫn chưa xong. Phương tiện vận chuyển hiện đại nhất là phà nhưng vào những tháng mùa mưa như thế này, phà thường xuyên không hoạt động vì bị trôi mất chỗ neo giữ. Người dân chuyển sang đi đò. Những con đò ở Nậm Khao có lẽ thuộc loại mất an toàn nhất vì đóng thô sơ nên thường rỉ nước vào trong. Trước khi xuống đò, người lái đò cật lực tát nước nhưng khi đò đi ngang sông, nước cứ thế ngấm vào. Tôi ngồi trên chiếc thuyền chòng chành, người lái chống bên nọ thì mạn bên kia ngấp nghé mặt nước sông mà rùng mình nhớ đến thông tin vài hôm trước mới có vụ đắm đò ở xã Mường Mô. Cũng con đò thô sơ, không áo phao cứu hộ. Cũng mặt nước sông Đà cuộn sóng đỏ phù sa.

Lên được bờ rồi mới thở phào nhẹ nhõm. Thầy Lai cười bảo có đò đi là còn may chán đấy. Trước anh dạy ở điểm trường bên kia sông, nhiều hôm chẳng gọi được đò, đành đánh liều nhảy xuống bơi qua. Các thầy cô ở điểm trường xa được ưu tiên mỗi tháng về họp một lần, gần hơn thì hai tuần một lần, gần nữa thì đi về trong ngày. Nhưng được đi về trong ngày cũng chưa chắc đã vui vì tiền đi đò mất 20 nghìn một lượt, một tháng đi khoảng 80 lượt là mất một khoản lớn so với đồng lương giáo viên. Nếu có phà chạy thì người đi không mất tiền, chỉ đi xe máy là mất tiền xe. Nhưng chưa có xe máy lên phà thì phà chưa chạy, thầy cô ngồi đợi được chuyến phà thì trễ giờ lên lớp, bất tiện trăm đường.

Lớp 1 do thầy Đinh Hồng Lai phụ trách
Lớp 1 do thầy Đinh Hồng Lai phụ trách

Ở Nậm Khao cũng chưa có điện, dù đường dây được kéo qua đã 7 năm nay, với đầy đủ cả công tơ. Người dân làm thủy điện nhỏ để dùng. Cứ khi nào nước chảy mạnh thì bóng điện sáng, quạt quay nhanh, nước chảy yếu thì điện tối lù mù, tivi méo hình méo tiếng. Trường phổ thông cơ sở Nậm Khao chưa có tiền làm thủy điện, các thầy cô xin câu nhờ của người dân để thỉnh thoảng bật quạt khi nóng quá. Còn ở lớp học thì hoàn toàn không có điện. Khí hậu Tây Bắc khắc nghiệt, ban đêm lạnh phải đắp chăn nhưng ban ngày lại nắng gay nắng gắt. Thầy với trò nhễ nhại mồ hôi dạy, học trong lớp học tuềnh toàng, lợp mái tôn.

Trường có 34 giáo viên thì 27 người từ các tỉnh khác lên: Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương… Cô Lương nhớ lại ngày đầu mới lên, vừa qua sông, đi bộ tới trường, nhìn trường lớp mà khóc ròng đòi về lại dưới xuôi. Vậy mà đã ba năm Lương ở lại và còn sẽ ở lại lâu dài vì cô mới lập gia đình cùng thầy Hiệp. Thầy Vinh vào Nậm Khao cũng đã ba năm, từ một nơi còn xa xôi hơn nữa. Thầy Lai gắn bó với Mường Tè 11 năm, đã chuyển gia đình từ Hòa Bình lên đây sinh sống… Các thầy cô cười nhẹ tênh bảo mình có bám trụ được ở đây mới mong cái chữ ở lại, bén rễ, vươn cành trong bà con dân bản. 

Việt Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ