Sử dụng sách tham khảo: Cũng cần là “người tiêu dùng” thông thái

Sử dụng sách tham khảo: Cũng cần là “người tiêu dùng” thông thái

(GD&TĐ) - Sách tham khảo, nếu hiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT, là loại sách bám sát chương trình – sách giáo khoa phổ thông do Bộ GD&ĐT công bố dưới sự phê chuẩn của Quốc hội. Còn lại chỉ là những sách bổ trợ kiến thức nói chung.

Luật Xuất bản không đưa quy chuẩn phân định các loại sách, mà chỉ gọi chung là những xuất bản phẩm, nhà xuất bản nào cũng có quyền phát hành các sản phẩm tự mình lựa chọn.

Còn sử dụng loại nào với mục đích gì lại là do người dùng tự lựa chọn, ngay cả đối với sách tham khảo dùng trong các nhà trường, Bộ GD&ĐT chỉ có thể hướng dẫn chứ hoàn toàn không được phép can thiệp cụ thể.

Nếu nhìn nhận ở góc độ xã hội, chúng ta có thể thấy bản chất thị trường sách cũng là một dạng thị trường hàng hóa. Sản phẩm (sách) được nhà sản xuất (ở đây là nhà xuất bản) đưa ra, có thể thích hợp với đối tượng này nhưng không được đón nhận bởi đối tượng kia.

Với những sản phẩm kém chất lượng, trước sau cũng bị tẩy chay. Chưa kể những sản phẩm nhái thương hiệu chắc chắn sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng. Mà đã là thị trường thì bao giờ cũng phải tuân theo quy luật tự điều tiết. Ở đây, nhu cầu của người sử dụng sẽ là sự điều tiết đối với các nhà sản xuất. 

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT để lọt sạn trong sách tham khảo. Thiết nghĩ, những ý kiến như vậy liệu đã có tìm hiểu sâu rộng hay chỉ dựa trên cảm quan để tự đánh giá?

Lựa chọn sách gì để tham khảo, có cần thiết phải sử dụng thêm sách tham khảo hay không, đó là quyền của các cơ sở giáo dục, mà trực tiếp là sự hướng dẫn của người giáo viên đối với học sinh.

Khi sách có “sạn”, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà sản xuất (theo Luật Xuất bản, lãnh đạo các nhà xuất bản chịu trách nhiệm hoàn toàn về các xuất bản phẩm của mình). Người sử dụng có quyền loại bỏ hoặc yêu cầu đổi trả, bồi hoàn. Đó là quyền lợi chính đáng được pháp luật bảo vệ. 

Tất nhiên, với các sách tham khảo được sử dụng phổ biến (tính về số lượng phổ cập) trong các nhà trường, ngành GD cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, cương quyết loại bỏ những ấn phẩm kém giá trị hay xử lý thích đáng những hành vi trục lợi để tuồn sách kém chất lượng vào học đường.

Gần đây nhất, từ tháng 4/2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH về sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông. Công văn này đang là rào chắn hữu hiệu, ngăn chặn những cuốn sách có "sạn" lọt vào nhà trường.

Đặc biệt tới đây, khi Quy định về sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến đóng góp của công luận) cũng như Thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin – Truyền thông quy định về xuất bản phát hành sách tham khảo dành cho các nhà trường phổ thông (đang được hai Bộ soạn thảo) chính thức được ban hành, sẽ có thêm những chế tài để “lọc” lại hệ thống sách tham khảo. 

Đó là chuyện trong tương lai gần, còn bây giờ, khi mà các chế tài đó chưa ban hành, để ngăn chặn những “hạt sạn” sách tham khảo, người sử dụng trước hết hãy là người tiêu dùng thông thái, chỉ lựa chọn những gì thật cần thiết và hữu ích, thay vì bị dẫn dắt theo thị trường như hiện nay.

Nhất Nguyên

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ