Sử dụng bài giảng điện tử: Hiệu ứng ngược nếu lạm dụng

GD&TĐ - Bài giảng điện tử nếu có sự đầu tư công phu, lựa chọn bài học phù hợp sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả, giúp giờ học thu hút, sinh động.

Giờ học tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, nếu lạm dụng, sử dụng máy móc sẽ tạo tác dụng ngược.

Nhìn nhận cả ưu và nhược điểm

Khẳng định nhiều ưu điểm của bài giảng điện tử, cô Đỗ Thị Nhạn - giáo viên Trường THCS thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) cho rằng, với việc đưa vào các tư liệu như hình ảnh, video, âm thanh, số liệu, sơ đồ, phông chữ..., bài giảng điện tử sinh động, sâu sắc, trực quan, dễ hiểu, lôi cuốn, có tính tương tác cao hơn.

Điều này cũng khắc phục được những hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống, không có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, như tính khô cứng, thiếu tư liệu minh họa trực quan sinh động, giáo viên phải thuyết trình và viết bảng nhiều…

Tại Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ), bài giảng điện tử được giáo viên sử dụng thường xuyên trong dạy học. Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Bích Hạnh, thực tế cho thấy, sử dụng bài giảng điện tử mang lại hiệu quả thiết thực: Học sinh học tập hứng thú hơn, dễ hiểu bài, nắm chắc nội dung, tăng tương tác giữa giáo viên và học sinh; từ đó giờ học hấp dẫn, sôi động hơn.

Bên cạnh đó, sử dụng bài giảng điện tử còn đòi hỏi giáo viên phải tích cực học hỏi để ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin (CNTT); đồng nghĩa với việc thầy cô dần năng động, sáng tạo hơn trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu mới.

Thường xuyên sử dụng bài giảng điện tử, thầy Nguyễn Đức Hùng - giáo viên Trường THCS Lê Tư Thành (Hưng Hà, Thái Bình) nhận thấy cách này giúp học sinh dễ dàng quan sát các sự vật, hiện tượng, đối tượng, kích thích hứng thú học tập. Giáo viên cũng thuận tiện, hạn chế việc đứng ghi bảng. Tuy nhiên, cũng có tình huống học sinh bị hấp dẫn quá mức bởi các hình ảnh, màu sắc nên sẽ chỉ chăm chú xem chứ không chú ý ghi bài.

Quan sát từ góc độ nhà quản lý cơ sở giáo dục, thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) cũng thẳng thắn chỉ những hạn chế thường gặp của giáo viên khi sử dụng bài giảng điện tử. Trong đó có việc chưa xác định đúng nhu cầu thực tế; lạm dụng nội dung, hình ảnh, hiệu ứng; ít có cái riêng của người dạy.

Cũng có thầy cô hiểu chưa đúng về bài giảng điện tử; chưa đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác nguồn thông tin hiệu quả; chưa tiếp nhận nghiêm túc phản ánh qua học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp; chưa bám sát điều kiện thực tế của nhà trường; điều kiện, phương tiện chưa đảm bảo theo quy định…

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Không sử dụng máy móc

Trong những năm gần đây việc ứng dụng CNTT vào dạy học tại Trường THCS Duyên Hà (Thanh Trì) có bước tiến đáng kể. Trong các tiết dạy, hầu hết giáo viên đã sử dụng bài giảng điện tử và được đánh giá cao.

Để bài giảng điện tử phát huy hiệu quả trong dạy học, cô Hiệu trưởng Triệu Thị Minh Thắng nhấn mạnh điều đầu tiên là sự đam mê tìm tòi và khám phá các kiến thức về CNTT, thói quen đưa bài giảng điện tử vào tiết dạy phù hợp của giáo viên. Thầy cô có thể tham gia vào các nhóm giáo viên, trang web về giáo dục như bachkim.vn, elearning.moet.edu.vn… để tham khảo, cùng học hỏi và chia sẻ.

“Để có một tiết dạy sử dụng giáo án điện tử hiệu quả, giáo viên cần lựa chọn bài học và lên kế hoạch dạy học phù hợp. Thầy cô cũng cần thành thạo các thao tác trên máy, nắm vững mục tiêu bài cần truyền đạt cho học sinh; nắm được cách tổ chức, hình thức tổ chức, sử dụng phương pháp phù hợp và nắm vững trình tự các bước lên lớp trong giáo án điện tử. Tạo cho mình một kho tài liệu các nội dung, kiến thức, hình ảnh liên quan đến khối lớp mình đang dạy. Đặc biệt, giáo viên không được lạm dụng CNTT trong các tiết học”, cô Triệu Thị Minh Thắng lưu ý.

Với tổ nhóm chuyên môn, nhà trường, cô Triệu Thị Minh Thắng cho rằng, cần động viên, khuyến khích giáo viên tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học. Tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ tin học ngay tại trường. Tổ chức các tiết thao giảng, các chuyên đề có ứng dụng CNTT, họp rút kinh nghiệm cho tiết dạy trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn để tiết sau được tốt hơn. Nhà trường cần đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để giáo viên thuận lợi ứng dụng CNTT; thường xuyên kiểm tra, bảo trì, sửa chữa kịp thời trang thiết bị dạy học.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, thầy Nguyễn Đức Hùng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng hiệu quả bài giảng điện tử. Theo đó, trước tiên bài giảng cần phù hợp với nội dung bài học, không nên máy móc áp dụng với các phần, nội dung trong bài. Cụ thể, phần mở đầu, kết luận, chiếu bài tập mẫu, vẽ sơ đồ tư duy... sẽ phù hợp. Ngoài ra, thiết kế bài giảng điện tử cần lưu ý sử dụng màu sắc vừa phải, nên để chữ hiện theo tốc độ nói của giáo viên.

Thầy Trần Văn Hân thì nhấn mạnh việc cần có kế hoạch sử dụng bài giảng điện tử phù hợp trong từng nhà trường; thu thập, xử lý thông tin phản hồi đa chiều và có điều chỉnh, đánh giá hiệu quả cụ thể. Cũng cần tổ chức bồi dưỡng nghiêm túc cho giáo viên về nội dung này; chú trọng giao lưu, học hỏi từ các đơn vị bạn và đầu tư điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu.

Để bài giảng điện tử truyền tải được thông tin hấp dẫn, theo cô Đỗ Thị Nhạn, người xây dựng bài giảng cần chú ý xác định rõ ràng các yếu tố: Mục đích, đối tượng, nội dung, phương thức dạy, điều kiện giảng dạy… Bài giảng điện tử luôn phải dựa theo quy trình giảng dạy trên giáo án mà giáo viên thiết kế.

Giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu các ví dụ minh họa, thực nghiệm để học sinh tiếp cận tốt hơn với bài học. Từ các yếu tố tìm được, người dạy cần điều chỉnh nội dung phù hợp với bài giảng; tránh tình trạng có gì cũng đưa lên slide như cách dạy truyền thống trên lớp học. Ngoài ra, cần chú ý sử dụng màu sắc, kiểu chữ, kích cỡ và cách thể hiện đa dạng, phù hợp.

Có những bài giảng điện tử còn mang tính hình thức. Nhiều giáo viên chỉ sử dụng màn hình trình chiếu thay cho bảng đen truyền thống mà không đổi mới phương pháp, vẫn dạy theo lối truyền thụ một chiều. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là tâm huyết, trình độ của giáo viên. Cùng với đó, điều kiện về cơ sở vật chất đầy đủ, hệ thống đường mạng đảm bảo sẽ tạo điều kiện cho việc sử dụng bài giảng điện tử đạt hiệu quả. - Cô Trần Thị Bích Hạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...