Bài giảng hay có phải nhờ giáo án điện tử?

Bài giảng hay có phải nhờ giáo án điện tử?
Sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy
Sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy

(GD&TĐ) - Anh D. là giảng viên dạy Đạo đức học ở một trường đại học kể lại rằng: Đầu năm học nhà trường tổ chức kiểm tra và bình giảng. Kết quả tôi chỉ được 7,8 điểm.

Mặc dù đoàn kiểm tra đánh giá nhiều ưu điểm: Thoát ly giáo án, phương pháp thuyết trình kết hợp với nêu vấn đề phù hợp, tạo hứng thú cho người học, sinh viên nắm vững nội dung.Tuy nhiên không có giáo án điện tử nên không thể đạt điểm giỏi.

Anh D. là giáo viên uy tín cao, có thâm niên nghề nghiệp, được đào tạo đúng chuyên ngành và sinh viên rất thích học giờ của thầy. Song nếu chấm theo kiểu này thì vô hình trung giáo án điện tử trở thành tiêu chí số 1 của một bài giảng.

Khi anh D. thắc mắc thì đại diện của đoàn kiểm tra giải thích: Có giáo án điện tử thì các tiêu đề, tiết và tiểu tiết của nội dung sẽ được trình chiếu, giảm bớt thời gian viết bảng, giáo viên có nhiều thời gian thuyết trình hơn. 

Thực sự anh D. không thỏa mãn với cách giải trình đó nhưng cả trường đang phát động mỗi giáo viên phải tăng cường các bài giảng điện tử nên đành chấp nhận kết quả cũng như kết luận của đoàn kiểm tra. Tôi nghĩ, nếu chúng ta lấy giáo án điện tử làm tiêu chí “số 1” để đánh giá như trường anh bạn tôi dạy thì có lẽ chúng ta chỉ chạy theo phong trào: “Nhà trường điện tử, giáo án điện tử, thiết bị điện tử…”, còn giáo viên sẽ bị ra ngoài lề, bảng phấn cũng ra lề.

Đúng là giáo án điện tử mang lại nhiều ưu điểm trong dạy học, tăng tính trực quan sinh động, giảm bớt thời gian viết bảng, mô phỏng những nội dung trừu tượng… song nó không thể thay thế được vai trò của nhà giáo nhất là ngôn ngữ, tư duy, phong cách người thầy.

Bằng giáo án truyền thống với bảng đen, phấn trắng người thầy có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người học, một ngôn ngữ hay, một nét chữ đẹp, một lối diễn đạt khoa học, một tác phong mẫu mực trên bục giảng… đều để lại dấu ấn trong nhân cách học trò. Bởi vậy, người ta cũng có lý khi nói rằng phấn trắng, mực đen là phát minh vĩ đại trong lịch sử giáo dục. 

Đúng như nhà giáo Mỹ Josiah F. Brumstead viết: Bảng phấn là phát minh xứng đáng được xếp vào loại một trong những công cụ có đóng góp to lớn nhất cho giáo dục và khoa học. Chúng ta không nên bài trừ giáo án điện tử mà phải khuyến khích, phát huy đội ngũ nhà giáo có kỹ năng khi sử dụng phương tiện này, nếu khai thác tốt đó sẽ là công cụ giúp giáo viên hoàn thiện tay nghề sư phạm, hỗ trợ cho phương pháp, hình thức cũng như nội dung bài học.

Đặc biệt, phải biết cách lựa chọn nội dung chứ không phải dạy môn nào cũng đưa giáo án điện tử vào để chạy theo phong trào…

Cần phải kết hợp khéo léo giữa truyền thống với hiện đại, giữa giáo án bằng giấy trắng mực đen, phấn, bảng với giáo án điện tử để mỗi bài giảng có sức thuyết phục - Góp phần kết hợp giữa dạy chữ với dạy người.

Nguyễn Văn Công

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ