Sự cố tàu ngầm K-219: Do con người hay USO?

GD&TĐ - Sự cố của tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Navaga của Liên Xô, K-219 cho đến nay vẫn còn đang bàn cãi: Do con người hay do thế lực ngoài hành tinh?

Tàu ngầm K-219 trang bị đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm K-219 trang bị đầu đạn hạt nhân.

Vào ngày 3/10/1986, tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Navaga của Liên Xô, K-219, đang tuần tra định kỳ trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương, cách “tam giác quỷ Bermuda” khoảng 1.000 km, thì một sự cố bất ngờ xảy ra khiến nó vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương. Nguyên nhân của thảm kịch cho đến nay vẫn còn đang bàn cãi: Do con người hay do thế lực ngoài hành tinh?

Sự cố bất ngờ

Tàu ngầm K-219 được trang bị từ 32 đến 48 đầu đạn hạt nhân và 16 tên lửa nhiên liệu lỏng R-27U. Vào thời điểm Chiến tranh lạnh diễn ra căng thẳng, những cuộc tuần tra trên biển mang tính răn đe hạt nhân là tiến trình khá bình thường của Liên Xô.

Vào khoảng 5 giờ 30 phút, giờ Moscow, nước biển bắt đầu rò rỉ một cách khó hiểu vào silo (hầm chứa) tên lửa số 6. Chuông báo động vang lên và những nỗ lực khắc phục sự cố đã được thực hiện triệt để. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn. Vào lúc 5 giờ 38 phút, một vụ nổ xảy ra ở ống tên lửa số 6, giết chết ngay hai thủy thủ, một người khác chết vì ngạt khói độc, đồng thời tên lửa và đầu đạn bị phóng xuống biển.

Một thủy thủ khác đã chết trong khi cố gắng tắt lò phản ứng động cơ của tàu ngầm do hệ thống tự động hỏng -  một sự cố hiếm thấy. Sau đó, K-219 ì ạch nổi lên mặt nước với một rãnh sâu trên thân, như thể nó đã va chạm thật mạnh với vật gì đó dưới nước.

Thuyền trưởng Igor Britanov của K-219 cho rằng, đây có thể là nguyên nhân gây ra rò rỉ, dẫn đến vụ nổ. Tuy nhiên, họ đang ở giữa vùng biển mênh mông và không nhận được tín hiệu báo động do va chạm nào.

Sau sự cố nghiêm trọng này, chiếc tàu ngầm không còn hoạt động được nữa, nó được một tàu vận chuyển hàng của Liên Xô kéo trở về cảng ở Gadzhiyevo, cách đó 7.000 km. Tuy nhiên, trên đường đi, dây kéo bị đứt và lệnh từ bỏ con tàu được đưa ra. Các thủy thủ sống sót được giải cứu và con quái vật khổng lồ bằng kim loại chìm xuống đáy biển, yên nghỉ ở độ sâu khoảng 6.000m, mang theo các đầu đạn hạt nhân. 

Nguyên nhân do đâu?

TàuK-219 gặp sự cố ở vùng được cho là có nhiều hoạt động của USO.
TàuK-219 gặp sự cố ở vùng được cho là có nhiều hoạt động của USO.

Sau đó, một cuộc điều tra nhanh chóng được tiến hành. Qua xem xét xác tàu, người ta phát hiện các đầu đạn hạt nhân đều không còn và mọi cửa silo đã bị mở toang. Xét thiệt hại về nhân mạng, tàu và đầu đạn, đây là một sự cố khá nghiêm trọng. Ngay lập tức nhiều cáo buộc được đưa ra.

Liên Xô quy kết cho người Mỹ về tai nạn này. Theo họ, K-219 đã va chạm với tàu ngầm USS Augusta của Mỹ đang hoạt động trong khu vực vào thời điểm đó. Tuy nhiên, cả thuyền trưởng của USS Augusta và thuyền trưởng của K-219 đều phủ nhận điều này.

Trên thực tế, vào lúc xảy ra sự cố, không có tàu ngầm Mỹ nào ở gần đó và cũng không có tàu Mỹ nào đi sửa chữa do va chạm dưới nước. Vậy điều gì đã gây ra “vết thương” trên tàu ngầm K-219?

Trong nhiều năm, sự cố trên tàu K-219 được xem là một bí ẩn vì vị trí xảy ra gần “Tam giác Bermuda” khét tiếng. Và cũng không lạ, khi người ngoài hành tinh được cho là có liên quan.

Theo nhiều tuyên bố chưa được kiểm chứng, một số tàu ngầm và tàu khác đi lại trong khu vực này đã từng thấy những luồng sáng bí ẩn dưới nước, thường được gọi là “Vật thể lặn không xác định”, hoặc USO, cũng như ghi nhận âm thanh tần số thấp kỳ lạ như tiếng vịt hoặc tiếng quạ kêu. Được gọi là “Quakers”, những âm thanh này được suy đoán từ tiếng kêu của cá voi, từ hệ thống sonar tối mật nào đó, đến các hiện tượng địa chất, cả tín hiệu của người ngoài hành tinh.

Năm 2010, cựu sĩ quan Hải quân Nga, thuyền trưởng Nikolai Tushin, đã đưa ra một lời khai mới về sự cố này. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Tushin thuộc nhóm các chuyên gia của Hải quân Liên Xô được giao nhiệm vụ tiếp nhận các tàu ngầm hạt nhân đóng ở Severodvinsk vào hạm đội.

Do đó, ông đã nắm bắt được hầu hết mọi chuyện xảy ra với các tàu ngầm, bao gồm tai nạn và sự cố. Theo ông, K-219 không chỉ phát hiện một trong những âm thanh “Quakers” không xác định, mà còn nhìn thấy qua màn ảnh radar một vật thể bí ẩn đang di chuyển dưới nước.

Ông đã giữ bí mật thông tin này trong nhiều thập niên, nhưng rồi chấp nhận tiết lộ khi biết sẽ không có hậu quả nào xảy ra với mình. Ông kể mọi chuyện với nhà nghiên cứu Nga, Smitry Sadakov, và người này tiết lộ trên Pravda:

- Nikolai chắc rằng vật thể dưới nước va chạm với tàu ngầm chiến lược K-219 không do con người tạo ra. Ông đã kể cho tôi nghe về những rắc rối mà các tàu ngầm nguyên tử của Liên Xô (cũng như của Mỹ, Anh và Pháp) từng phải đương đầu với cái gọi là “Quakers”. Tushin, cũng như nhiều chỉ huy tàu ngầm khác, đã nhìn thấy những quả bóng và hình trụ phát sáng dưới lòng đại dương. Cho đến nay, người ta vẫn biết rất ít về những vật thể vô hình này…

Phạm vi hoạt động của “Quakers” mở rộng từ biển Barents đến Trung - Đại Tây Dương, bao gồm cả “Tam giác Bermuda”, gần nơi tàu ngầm nguyên tử “K-219” của Nga gặp sự cố.

Giả thuyết về vật thể bí ẩn dưới nước do con người tạo ra không có cơ sở vững chắc, vì ngay cả nước Mỹ giàu mạnh cũng không đủ khả năng mở rộng phạm vi hoạt động như vậy. Những vật thể bí ẩn này liên tục bám sát các tàu ngầm và cuộc rượt đuổi có kèm theo những tín hiệu âm thanh đặc trưng giống như tiếng ếch nhái kêu.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải cho rằng, chúng ta có thể đang đối phó với một nền văn minh nào đó ở đại dương. Thật vậy, thế giới dưới nước được khám phá ít hơn nhiều so với không gian.

Những người cho rằng USO là nguyên nhân của vụ tai nạn đã không dám lên tiếng vì sợ bị coi là mất trí. Tushin tin chắc, K-219 đã bị đánh chìm bởi một thế lực bí ẩn, nhưng vào thời điểm đó, ông không thể đưa ra nhận định này.

Những vật thể không xác định dưới đại dương luôn là một bí ẩn và sự cố tàu ngầm K-219 vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Đây chỉ là trục trặc kỹ thuật, va chạm với một tàu ngầm Mỹ, một vụ phá hoại hay còn gì khác? Các vũ khí hạt nhân trên tàu đã đi đâu? Những câu hỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.